banner

Bệnh sẹo cây cam, quýt

Cam, quýt là cây trồng nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sâu bệnh hại là một trong những yếu tố gây cản trở sản xuất và làm tăng chi phí phòng trừ. Một trong những bệnh hại khá phổ biến và nguy hiểm trên cam quýt là bệnh sẹo.

Lá cây mắc bệnh

Bệnh làm ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng và làm giảm giá trị nông sản.

* Triệu chứng: Bệnh thường tấn công ở các bộ phận non của cây như lá, cành, quả non. Vết bệnh thường ở mặt dưới lá, có màu nâu vàng và lồi lên giống như gỗ bần, có quầng vàng xung quanh (vì vậy nông dân gọi là bệnh ghẻ lồi).

Bệnh làm lá non biến dạng hoặc không mở được. Trên lá bánh tẻ, vết bệnh lúc đầu chỉ gây hại mặt dưới lá, còn mặt trên lá chỉ hơi vàng và không bị hoại tử.

Khi bệnh nặng, vết bệnh mới gây hoại tử xuyên lên mặt trên lá. Nhiều vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành mảng, làm mép lá cuộn lại. Trên quả và cành non, vết bệnh màu nâu bần, nổi lên sần sùi, và không có quầng vàng bao quanh.

* Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh sẹo cam quýt do nấm Elsinoe fawcetti gây ra. Trong điều kiện trồng mật độ cao, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, nhiều lộc non, kết hợp vườn bị rợp bóng cây khác, vườn ẩm thấp… thì bệnh thường nặng. Bệnh cũng thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết mây mù âm u, mưa dầm và ẩm độ cao, cây trong giai đoạn đang ra lá, hoa, quả non.

* Những biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao: Nguyên tắc là để quản lý bệnh này, cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được.

- Trồng cây với mật độ thích hợp tùy giống (ví dụ cam giấy thì mật độ cần thưa hơn cam sành).

- Làm luống theo hướng Đông Tây để các cây có thể nhận được ánh nắng suốt ngày, giúp vườn luôn thông thoáng, khô ráo.

- Có hệ thống tiêu nước thật tốt sau khi mưa hay tưới, tránh nước tồn đọng, sẽ tạo độ ẩm cao trong vườn.

- Phòng trừ sâu hại gây vết thương làm bệnh xâm nhập, nhất là sâu vẽ bùa giai đoạn ra lộc, hoa, trái non.

- Tỉa những cành sâu bệnh trước mùa mưa, hay trước khi vào vụ mới để vườn được thông thoáng, tránh làm tăng ẩm độ trong vườn.

- Bón phân cân đối đầy đủ, không được dư đạm để cây khỏe mạnh, vườn không rậm rạp.

- Sử dụng CALCIUM NITRATE để đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi cho cây, giúp tăng sức chống chịu. Canxi còn làm giảm độ chua đất và chống xốp trái, nứt trái.

- Sử dụng phân POLY FEED để cung cấp vi lượng cần thiết để tăng sức chống chịu sâu bênh, vừa làm tăng chất lượng trái.

- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để nắm chắc tình hình sâu bệnh, nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khi phát hiện vườn chớm bị bệnh, sử dụng sản phẩm ZINEB BUL 80WP của Cty Agria - Bulgaria do Cty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn phân phối để phun phòng trừ bệnh, nếu áp lực bệnh cao nên phun lại lần hai cách lần một 7 ngày. Ngoài ra có thể dùng sản phẩm ZIN 80WP hoặc DIPOMATE 80WP để phòng bệnh này.

TS NGUYỄN MINH TUYÊN
Theo www.nongnghiep.vn