banner

Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bông trang trại trong vụ khô tại Tây Nguyên

Sản xuất trang trại là loại mô hình có lịch sử phát triển từ lâu, các chuyên gia về sử học và kinh tế học thế giới đã chứng minh từ thời đế quốc La Mã. Ở Trung Quốc trang trại có từ đời nhà Đường. Ở Việt Nam, trang trại hình thành và phát triển dưới thời nhà Trần với tên gọi chung là các “thái ấp”. Việc phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo, phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Mặc dù hiện nay kinh tế trang trại đã có những bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục như: kinh tế trang trại chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình với quy mô nhỏ; sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận giữa hai bên, chưa tạo được sự ổn định về giải quyết việc làm. Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất là việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất quy mô trang trại chưa đồng bộ, gây lãng phí, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất trang trại chưa được chú trọng, sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, khả năng cạnh tranh sản phẩm quy mô trang trại chưa cao, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Cây bông (Gossypium hirsutum L.) là cây trồng truyền thống được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Trung Bộ. Sản xuất bông ở nước ta hiện nay chủ yếu quy mô hộ gia đình nhỏ bé, manh mún; các biện pháp kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ nên hiệu quả kinh tế của cây bông còn hạn chế chưa thực sự hấp dẫn người dân. Mặt khác, tại các vùng trông bông chính, việc bố trí công lao động để chăm sóc, thu hoạch bông còn rất hạn chế. Khắc phụ tình trạng đó, mô hình trang trại bông theo kiểu liên kết sản xuất giúp cho việc đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật; các biện pháp kỹ thuật được thực hiện tập trung, kịp thời và đồng bộ; cơ giới hóa được một số khâu trong thâm canh bông nên tiết kiệm được công lao động. Do đó, năng suất đạt được và hiệu quả kinh tế trong mô hình bông trang trại cao hơn so với sản xuất đại trà. Tuy nhiên, để sản xuất bông theo mô hình trang trại đạt hiệu quả, phát triển bền vững, sản phẩm có chất lượng xơ tốt, cần phải thực hiện và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, đó là: Giống bông tốt, vừa có tiềm năng năng suất cao và chất lượng tốt, vừa có khả năng kháng sâu, kháng rầy và chịu thuốc cỏ để tiết kiệm công lao động và chi phí phun thuốc sâu, làm cỏ; kỹ thuật canh tác phù hợp với quy mô trang trại như lượng hạt giống gieo thích hợp, kỹ thuật rãi ống tưới, thời gian và lượng nước tưới thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây; các giải pháp kỹ thuật phòng trừ cỏ dại và sâu hại hiệu quả….



Vì vậy,nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Văn Phước Thời, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố, đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài:“Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bông trang trại trong vụ khô tại Tây Nguyên”.

Qua thời gian 3 năm (từ năm 2015- 2017) nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bông trang trại trong vụ khô tại Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu rút ra một số kết luận và đề nghị như sau:
1) Trong số các tổ hợp lai tham gia nghiên cứu thử nghiệm tại trong vụ khô tại Tây Nguyên, có 2 tổ hợp lai VN36.PKS/SCNM và 1247/DTP4 đã thể hiện ưu thế lai vượt trội, có khả năng chống chịu được thuốc trừ cỏ nhóm Glyphosate, chịu được rầy xanh, cho năng suất cao (năng suất bông hạt > 2,8 tấn/ha), tỷ lệ xơ cao (> 41 %), phẩm chất xơ tốt, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngày Dệt - May Việt Nam.
2) Xác định một số biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật phục vụ cho xây dựng quy trình trồng bông trang trại tập trung trong vụ khô tại Tây Nguyên:
- Lượng giống gieo phù hợp cho trồng bông trang trại từ 8-10 kg/ha.
- Định kỳ tưới nước từ 7 ngày/lần, với tổng lượng nước từ 3.264 - 4.224 m3/ha.
- Sử dụng rơm hoặc màng PE phủ đất đều cho năng suất cao (Năng suất bông hạt từ 2,8-3,0 tấn/ha ) hơn không che phủ đất (2,52 tấn/ha). Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế, ở các công thức che phủ đất mang lại hiệu quả cao hơn không đáng kể so với đối chứng không phủ đất.
- Rãi dây tưới nước nhỏ giọt sát gốc bông hoặc cách gốc bông 15 cm.
- Sử dụng hai loại thuốc Dual Gold là 960EC và Ronstar 25EC để phòng trừ cỏ tiền nảy mầm. Hai loại thuốc Glyphosan 480 DD và Nufarm Glyphosate 480 AS phòng trừ cỏ hậu nảy mầm.
- Kết quả lựa chọn một số loại thuốc BVTV phòng trừ hiệu quả cho bông trang trại;
+ Thuốc Lancer 40 EC (1,5 lít/ha) phòng trừ rệp hại bông;
+ Thuốc Dupont Prevathon 55SC (0,45 lít/ha) và Radiant 60SC (0,4 lít/ha) phòng trừ bọ trĩ hại bông;
+ Thuốc Cheesapc 500WG (0,3 kg/ha) và Dupont Prevathon 55SC (0,45 lít/ha) phòng trừ rầy xanh hại bông;
+ Thuốc Ortus 5 SC (1 lít/ha); Dibamec 1.8 EC (0,25 lít/ha) và Seclecron 500EC (1,5 lít/ha) phòng trừ nhện đỏ hại bông;
+ Xử lý hạt giống bằng thuốc Gaucho 600FS ở liều lượng từ 9 -11 g a.i/kg hạt phòng trừ dịch hại giai đoạn đầu vụ.
3) Trình diễn mô mô hình thực nghiệm ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cho bông sản xuất trang trại tập trung trong vụ khô tại Tây Nguyên, với mô hình sử dụng 2 tổ hợp bông lai VN36.PKS/SCNM và 1247/DTP4 vừa kháng sâu xanh, rầy xanh, vừa chịu được thuốc trừ cỏ nhóm Glyphosate đều có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất lý thuyết 2,9 - 3, 2 tấn/ha, năng suất bông hạt 2,3 - 2,5 tấn/ha và hiệu quả kinh tế từ 5,4 đến 7,9 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn mô hình trồng giống đối chứng VN01-2 (năng suất bông hạt chỉ đạt 2,18 tấn/ha, hiệu quả kinh tế chỉ đạt 0,75 triệu đồng/ha). Trong đó, mô hình trồng tổ hợp bông lai VN36.PKS/SCNM cho năng suất và hiệu quả cao nhất.

Nhóm nghiên cứu đề nghị áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để sản xuất bông trang trại trong vụ Đông Xuân tại Tây Nguyên. Đưa 2 tổ hợp bông lai VN36.PKS/SCNM và 1247/DTP4 (kháng sâu xanh, rầy xanh, chịu được thuốc trừ cỏ nhóm Glyphosate) sản xuất diện rộng trong vụ khô tại Tây Nguyên.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14779/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T.-NASATI