banner

‘Gỡ khó’ cho hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã cho hiệu quả đáng kể nhưng còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng

193 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mới đây, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) cho biết, hiện nay, cả nước hiện có 193 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,6% trong tổng số 11.668 HTX nông nghiệp; doanh thu bình quân khoảng 10,3 tỷ đồng/ HTX/năm, trong khi con số này của HTX nông nghiệp là chưa đến 1 tỷ đồng.

Lĩnh vực sản xuất chủ yếu là nuôi trồng thủy sản (tôm nước lợ, cá…); trồng rau và cây ăn trái an toàn, trồng hoa, trồng nấm, sản xuất cây giống; chăn nuôi bò sữa, gia cầm, heo; chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Tính đến nay đã có khoảng 2/3 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước có các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Những vùng có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhất là Tây Nguyên (57 HTX), Đồng bằng sông Cửu Long (35 HTX); tiếp sau là Đông Nam Bộ (28 HTX), Đồng bằng sông Hồng (28 HTX), Trung du miền núi phía Bắc (22 HTX), Bắc Trung Bộ (18 HTX) và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (5 HTX).

Triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã cho hiệu quả đáng kể. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí như: nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn.

‘Gỡ khó’ đưa hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - ảnh 1

Cả nước hiện có 193 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,6% trong tổng số 11.668 HTX nông nghiệp. Ảnh minh họa

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của HTX vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng. Mới chỉ có 193 HTX/11.668 HTX, bằng 1,65% số HTX nông nghiệp hiện nay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hàm lượng công nghệ chưa cao, rất ít các mô hình ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Đa số các mô hình chỉ áp dụng công nghệ cao một khâu hay một công đoạn của sản xuất. Liên kết chuyển giao công nghệ cao giữa HTX và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản còn yếu. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản công nghệ cao còn khá mờ nhạt.

 

Cùng với đó là việc thiếu quỹ đất tập trung để làm công nghệ cao, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến HTX chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đáng chú ý, chưa có thị trường công nghệ và thiếu các tổ chức, cá nhân làm tư vấn cho các HTX trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trên thị trường, giá cả của các sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao hiện nay chênh lệch không nhiều so với các sản phẩm thông thường do khâu tiếp thị còn hạn chế, quản lý thị trường còn yếu kém; chưa khuyến khích được các HTX đầu tư công nghệ cao.

Đặc biệt là việc khó tiếp cận được vốn tín dụng mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, còn khó áp dụng.

Gỡ khó để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đối với HTXNN, hiện nay Bộ xác định có 3 vấn đề cần phải tập trung giải quyết: Trước hết là vấn đề tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các HTX; thứ hai là phải hướng dẫn HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm; thứ ba là triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

“HTXNN ứng dụng công nghệ cao là hoàn toàn hợp lý và cũng không nên quan niệm ứng dụng công nghệ cao là phải có nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại. Tất cả rất đơn giản, chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" – ông Nam cho hay.

Việc ứng dụng công nghệ cao không nhất thiết là nhà lưới hay công nghiệp hiện đại, mà chỉ cần ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Chính phủ giao Bộ NN&PTNT đến năm 2020 phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó tối thiểu có 1.500 HTX (10%) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho HTX ứng dụng công nghệ cao, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn kiến nghị, cần từng bước xây dựng và hình thành tổ chức, bộ phận giới thiệu, cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đối với các HTX. Trước mắt giao cho ngành khuyến nông chủ trì, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nghiên cứu, xây dựng mô hình doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển kinh doanh đối với các HTX nông nghiệp.

Cùng với đó, đề nghị bố trí 300 tỷ đồng vốn đầu tư cho các HTX nông nghiệp trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị các Ngân hàng Thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 Hùng Cường - VietQ