banner

Cơ giới hóa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp (bài 2)
Ðẩy mạnh cơ giới hóa
 
Xác định cơ giới hóa là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân 3 huyện phía Nam.
 
Vườn sầu riêng trĩu trái nhờ áp dụng hệ thống chăm sóc tự động “3 trong 1”. Ảnh: K.P
Vườn sầu riêng trĩu trái nhờ áp dụng hệ thống chăm sóc tự động “3 trong 1”. Ảnh: K.P

Những thành tựu
 
Điển hình cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng tại 3 huyện phía Nam chính là sản xuất lúa. Hiện nay, Cát Tiên được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, với hơn 9.000 ha đất sản xuất lúa (tổng sản xuất 3 vụ/năm); trong đó, có hơn 7.400 ha lúa chất lượng cao. Đến nay, địa phương đã có 7 hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa, với hàng trăm xã viên tham gia. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) huyện Cát Tiên cho biết: “Với đặc thù của vùng đất lúa, nên người dân địa phương không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) đưa máy móc vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”. Đến nay, trong các khâu từ làm đất, đến thu hoạch người dân địa phương đều đã sử dụng máy móc. Hiện, toàn huyện có hàng trăm máy cày, bừa lớn, nhỏ nên việc đưa cơ giới hóa trên đồng ruộng trong khâu làm đất đã đạt 99%; khâu thu hoạch, cơ giới hóa đạt trên 92% với hàng chục máy gặt đập liên hoàn được người dân đầu tư mua sắm. Các khâu khác, cơ giới hóa cũng đã đạt trên 80%”.
 
Theo ông Trừng, nhờ việc đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ KHKT nên việc sản xuất lúa của địa phương luôn đảm bảo đúng thời vụ, hạn chế dịch bệnh gây hại nên năng suất không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2008 năng suất lúa địa phương chỉ đạt hơn 5 tấn/ha thì đến nay đã đạt gần 6,3 tấn/ha. Thậm chí có những vùng đã đạt tới năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha. Hiện, toàn huyện cũng đã có gần 100 ha lúa hữu cơ, với năng suất đạt từ 6,8 - 7,2 tấn/ha. Nhằm nâng cao nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”, địa phương đang có chủ trương hỗ trợ người dân giống, phân bón… để nhân rộng mô hình lúa hữu cơ lên từ 200 - 300 ha trong năm 2019. Ngoài ra, trên địa bàn, nhiều HTX, THT và các hộ gia đình còn đầu tư nhiều hệ thống máy xay xát lúa và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
 
Cùng với Cát Tiên, thì Đạ Tẻh được xem là vựa lúa thứ 2 của tỉnh với đặc sản nếp Quýt. Theo thống kê, Đạ Tẻh đang có hơn 7.000 ha lúa (tổng sản xuất 3 vụ/năm). Hiện, cơ giới hóa trong các khâu làm đất, phun thuốc, thu hoạch tại Đạ Tẻh đã đạt trên 97%, với hàng chục máy gặt đập liên hoàn và hàng trăm máy cày, bừa được người dân đưa vào đồng ruộng. Trong đó, các HTX, THT sử dụng 100% cơ giới hóa vào các khâu làm đất, thu hoạch và phun thuốc. Đặc biệt, trong năm 2017, để triển khai đề án sản xuất nếp Quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu, UBND huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ 100% kinh phí (90 triệu đồng) cho người dân THT nếp Quýt xã An Nhơn mua sắm máy cấy phục vụ sản xuất trên diện tích 20 ha. Hiện năng suất lúa Đạ Tẻh đã đạt 6 tấn/ha. Trong đó, năng suất nếp Quýt sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt từ 6,5 - 6,8 tấn/ha. Cùng với cây lúa, thì Đạ Tẻh còn chú trọng phát triển cây dâu tằm và nhân rộng diện tích cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh và quýt đường. Đến hiện tại, huyện Đạ Tẻh đang có khoảng 1.100 ha dâu tằm; trong đó, có trên 50% diện tích được đầu tư hệ thống tưới tự động phun sương. 
 
Trong khi đó, tại huyện Đạ Huoai, là vùng chuyên canh cây ăn trái, với đặc sản là cây sầu riêng. Đến nay, toàn huyện đang có 2.500 ha cây sầu riêng; trong đó, có trên 1.800 ha sầu riêng ghép với các giống Thái Lan như Mong Thong, Đo Na, Ri6 và Chín hóa. Ngoài ra, địa phương còn có hàng trăm ha các loại cây ăn trái khác như chôm chôm, măng cụt và mít. Đặc biệt, Đạ Huoai là địa phương có diện tích cây điều lớn nhất của tỉnh, với hơn 10.000 ha. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, phần lớn người trồng sầu riêng tại Đạ Huoai đang chăm sóc cây theo hướng thủ công. Đây chính là nguyên nhân khiến năng suất sầu riêng của Đạ Huoai mới chỉ đạt 9,5 tấn/ha. Đến hiện tại, toàn huyện mới có 7 mô hình sầu riêng công nghệ cao, với khoảng 12 ha sử dụng hệ thống chăm sóc “3 trong 1” (tưới nước, bón phân và xịt thuốc tự động). Đối với những mô hình sầu riêng đầu tư hệ thống “3 trong 1” năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha, thậm chí có những vườn đạt tới 35 tấn/ha.
 
Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa
 
Thực tế cho thấy, việc đưa máy móc vào đồng ruộng đã và đang giúp người nông dân giải phóng sức lao động, tập trung chuyên canh, hạn chế tối đa dịch bệnh và đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
 
Ngoài các khâu như làm đất, thu hoạch, xịt thuốc đã được người dân sản xuất lúa tại các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên cơ giới hóa đồng bộ, thì các khâu như sạ lúa, bón phân… còn rất hạn chế. Điều này, cũng phần nào làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo các địa phương. Trong khi đó, trên thị trường đang có nhiều loại máy bón phân, sạ lúa phù hợp với túi tiền (từ 1,8 - 8 triệu đồng/máy) nhưng người nông dân chưa thể tiếp cận. Nguyên nhân là do ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa có cách tuyên truyền hợp lý cho bà con. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Cát Tiên cho hay: “Đối với khâu sạ lúa, bón phân thì toàn huyện chỉ mới có 2 hộ dân sử dụng máy móc, còn lại đang làm thủ công. Những năm qua, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp rất chú trọng đến khâu tuyên truyền và hỗ trợ người dân đầu tư mua sắm máy móc sản xuất lúa. Trong các cuộc hội thảo, tập huấn chúng tôi chú trọng đến công tác chuyển đổi giống, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng… Riêng việc hướng dẫn bà con sử dụng máy móc để gieo sạ, chăm sóc lúa thì địa phương chưa làm được. Vì vậy, trong thời gian tới, thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, chúng tôi sẽ có phương án giúp người dân tiếp cận với các loại máy móc cần thiết phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để họ lựa chọn, đầu tư mua sắm”.
 
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: “Mặc dù nếp Quýt Đạ Tẻh đã được cấp nhãn hiệu, nhưng để nâng cao giá trị của nếp Quýt thì phải hướng đến xuất khẩu. Và, tất yếu phải nhân rộng mô hình sản xuất nếp Quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm nông nghiệp). Để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi người nông dân phải áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, cấy, chăm sóc và thu hoạch. Hiện nay, khâu cấy lúa còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu máy móc nên buộc bà con phải cấy thủ công. Vì vậy, để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ có phương án đề xuất để địa phương hỗ trợ kinh phí giúp người dân mua thêm máy cấy…”.
 
Còn đối với thủ phủ sầu riêng Đạ Huoai, địa phương đang hướng tới phát triển vùng chuyên canh cây sầu riêng công nghệ cao. Ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai khẳng định: “Để phát triển sầu riêng theo hướng công nghệ cao, thì việc đưa cơ giới hóa vào chăm sóc là điều tất yếu. Từ những mô hình đã triển khai cho thấy, hệ thống chăm sóc sầu riêng tự động “3 trong 1” là giải pháp căn bản không thể thiếu để phát triển sầu riêng công nghệ cao. Vì vây, địa phương sẽ có phương án để tuyên truyền, vận động người dân đầu tư hệ thống “3 trong 1” vào sản xuất sầu riêng; hướng dẫn bà con kỹ thuật chằng néo cây để hạn chế gãy đổ do thiên tai. Đồng thời, tiến hành các thủ tục pháp lý để người dân ký cam kết tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát triển ổn định và bền vững”.
 
Có thể nói, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng theo hướng hàng hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn tại 3 huyện phía Nam Lâm Ðồng.
 
KHÁNH PHÚC - LĐ Online