banner

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 43 tỉ đô la

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm nay đạt từ 43 tỉ đô la Mỹ trở lên, tăng khoảng 3 tỉ đô la so với kết quả của năm ngoái.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng xuất khẩu từ 3 tỉ đô la trong năm 2019 so với năm trước đó. Trong ảnh là sản phẩm nông sản được trưng bày tại một hội chợ nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết ngành năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019" diễn ra hôm nay, 3-1. Theo ông, đối với lĩnh vực trồng trọt bộ này đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 21 tỉ đô la; thủy sản đạt 10,5 tỉ đô la; lâm nghiệp đạt 10,5 tỉ đô la và các loại nông sản khác đạt 1 tỉ đô la.

Ngoài ra, ông Cường đặt mục tiêu năm nay phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành trên 3%; giá trị sản xuất đạt trên 3,11%.

Mục tiêu nêu trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dựa trên những kết quả đã đạt được trong năm 2018. Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 tăng 3,86% so với năm 2017, trong đó, nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%; GDP ngành tăng 3,76%, cao nhất trong 7 năm gần đây, trong đó, nông nghiệp tăng 2,89%, lâm nghiệp tăng tăng 6,01%, thủy sản tăng 6,46%.

Theo ông Cường, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 40,02 tỉ đô la, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, vượt so với mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỉ đô la được đưa ra hồi đầu năm 2018.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong năm 2019, ông Cường yêu cầu, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà cụ thể như với ngành trồng trọt, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường.

Theo ông, cần phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước lẫn xuất khẩu. Trong đó, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống. “Cần nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin và dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…”, ông đề nghị.

Tuy nhiên, gợi ý thảo luận để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm rõ, nguyên nhân nào đã dẫn đến kết quả như nêu trên. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của thành phần xã hội thế nào? Vai trò của nông dân, doanh nghiệp, các thành phần hiệp hội, ngành nghề như thế nào?

Theo Thủ tướng, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 40,02 tỉ đô la, mức cao kỷ lục và năm 2019 mục tiêu đạt 42- 43 tỉ đô la, thậm chí cao hơn. “Như vậy, cần những chủ trương, biện pháp mới nào để làm được cái hơn đó trong ngành nông nghiệp?”, ông nêu vấn đề và cho rằng về thể chế cần phải tháo gỡ vấn đề gì để đạt mục tiêu.

“Những vấn đề thuộc quản lý nội bộ ngành nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu…, có đóng góp gì? Để không có phân giả, chất lượng xấu thì phải làm sao?", ông nêu câu hỏi và yêu cầu khi thảo luận cần làm rõ. Hay trong vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, thì cần làm thế nào cho tốt hơn...

Thảo luận với hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang đề xuất, cần có cơ chế chính sách mạnh hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp. Bởi, không có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì ngành sẽ bấp bênh, thiếu bền vững.

“Ngoài ra, cần có đầu tư về thủy lợi để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu”,  bà cho biết và yêu cầu cần quan tâm hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Trung Chánh - TBKTSG