banner

Giá cà phê Tây Nguyên "đỏ sàn", giá tiêu cũng mất kiểm soát

Sau khi giảm về mức sâu kỉ lục 29.000 đồng/kg trong tuần trước, giá cà phê Tây Nguyên đã nhích dần lên trên mức 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên người nông dân chưa kịp mừng thì hôm nay, giá cà phê Tây Nguyên lại tiếp tục giảm 200 đồng/kg. Tương tự, giá hồ tiêu cũng đang ở mức thấp chưa từng thấy khiến người nông dân bán cũng lỗ, mà găm hàng chờ giá cũng sợ.

gia ca phe tay nguyen "do san", gia tieu cung mat kiem soat hinh anh 1

Giá cà phê liên tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua khiến nông dân chán nản. Ảnh min hoạ: Trần Hiền

Giá cà phê lao dốc, nông dân lỗ hàng chục triệu/ha 

Mặc dù vụ thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên đã kết thúc từ tháng 1 nhưng từ tháng 3 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc. Cùng kì năm ngoái, giá cà phê nhân tại khu vực này dao động trong khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg nên người trồng cà phê vẫn có lãi. Tuy nhiên, với mức giá xuống thấp kỷ lục như năm nay, tất cả các hộ nông dân đều thua lỗ hàng chục triệu đồng mỗi ha.

Cụ thể, ngày 14/5 giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng giảm 200 đồng/kg so với hôm qua, đạt 30.300 đồng/kg; tại Đắk Nông là 30.900 đồng/kg; còn tại Gia Lai, Đắk Lắk lần lượt ở mức 31.100 và 31.200 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu tại cảng TP.Hồ Chí Minh (giá FOB) hiện chỉ đạt 1.301 USD/tấn, trừ lùi 45 USD/tấn. 

Ông Dương Quang Sơn, 60 tuổi ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình ông canh tác hơn 2ha cây cà phê. Trung bình mỗi ha phải đầu tư 25-30 triệu đồng tiền phân, khoảng 5 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, thuê người thu hái khoảng 1.000 đồng/kg cà phê tươi, đó là chưa kể tiền xăng dầu, tiền điện, công chăm sóc...

"Mỗi ha trung bình thu được từ 3,5-4 tấn cà phê nhân. Năm 2018, giá cà phê nhân dao động ở mức từ 35.000-38.000 đồng/kg thì người nông dân còn có lãi. Nhưng năm nay, giá giảm kỉ lục thế này thì nông dân nào cũng bị thua lỗ nặng" - ông Sơn nói. 

 gia ca phe tay nguyen "do san", gia tieu cung mat kiem soat hinh anh 2

Giá cà phê hôm nay ngày 14/5 tại một số thị trường. Nguồn: giacaphe

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân giá cà phê Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng liên tục giảm là do Brazil - nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới được mùa - khiến nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa lên tới hàng triệu bao.

Brazil được mùa với trên 60 triệu bao (tương đương 3,6 triệu tấn) cộng với đồngnội tệ của Brazil (reais) mất giá so với đồng đô la Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi choxuất khẩu cà phê Brazil. Xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 3-2019 tăng 10,3% so vớicùng kỳ 2018 trong đó riêng xuất khẩu cà phê robusta tăng đến 582%.

Xuất khẩu cà phê tháng 4/2019 ước đạt 141 nghìn tấn với giá trị đạt 236 triệuUSD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 629 nghìn tấn và đạt giá trị kim ngạch 1,1 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm2018.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, giá cà phê thế giới và trong nước sẽ khó tăng do dự báo sản lượng cà phê Conilon Robusta của Brazil đạt mức kỷ lục.

Giá tiêu hôm nay không đổi do diện tích tăng mất kiểm soát

Thị trường hạt tiêu tại các vùng nguyên liệu nội địa giữ nguyên mức giá tuần trước chốt ở 43.000 – 46.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu (đạt 46.000 đồng/kg) và thấp nhất ở Đồng Nai và Gia Lai (ở mức 43.000 đồng/kg).

Mặc dù đang là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm gần 60% thị phần thế giới, tuy nhiên do không kiểm soát được việc tăng diện tích trồng tiêu nên giá tiêu tại Việt Nam lâm vào "khủng hoảng", liên tục giảm từ cuối năm 2017 đến nay. Cũng do có tới 95% sản lượng tiêu sản xuất tại Việt Nam phục vụ xuất khẩu nên giá mặt hàng này cũng bị phụ thuộc vào thị trường thế giới.

 gia ca phe tay nguyen "do san", gia tieu cung mat kiem soat hinh anh 3

Giá tiêu nguyên liệu tại thị trường Việt Nam hiện chỉ còn từ 43.000 - 46.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: N.V

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 4/2019 ước đạt 34 nghìn tấn, với giá trị đạt 87 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 105 nghìn tấn và 276 triệu USD, tăng 21,4% về khối lượng, nhưng giảm 10,2% về giá trị so vớicùng kỳ năm 2018.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2018 của nước ta đạt 2.672USD/tấn, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia, diện tích hồ tiêu của cả nước là khoảng 150.000 ha, các nhà quản lý nên điều chỉnh xuống khoảng 100.000 ha là phù hợp trong bối cảnh giá xuống thấp như hiện tại. Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững nhà nước cần phải có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là về mặt thị trường. Bà con cần áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất như chọn giống tốt, sạch bệnh, chăm sóc mức độ vừa phải, bón phân hữu cơ, phân vô cơ cân đối; áp dụng IPM trong sản xuất sẽ giúp người trồng hồ tiêu vẫn có thể có lãi.

Một giải pháp nữa là phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân bền vững, chặt chẽ hơn. Hiện nay đã có sự liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa thực sự chặt chẽ. Khi liên kết được thì doanh nghiệp chính là người tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bán bao nhiêu, bán cho ai. Điều này sẽ điều chỉnh lại quá trình sản xuất của người nông dân và cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để từ đó điều chỉnh lại quy hoạch.

Thiên Ngân - Danviet