banner

Kết nối chuyên gia và nhà khoa học Việt - Hàn với nhà nông Đà Lạt
Kết nối giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam và nhà nông thành phố (TP) Đà Lạt là hoạt động có ý nghĩa lớn về kinh tế và xã hội. Cụ thể hóa hoạt động này là Hội thảo kỹ thuật và thực nghiệm trồng hoa cúc do Công ty Korea flower seeds (KFs) Hàn Quốc và Trường Đại học Đà Lạt vừa tổ chức. 
 
Đông đảo nông dân Đà Lạt tham quan vườn hoa cúc của Hàn Quốc
Đông đảo nông dân Đà Lạt tham quan vườn hoa cúc của Hàn Quốc
 
Sản lượng tăng 15% nhưng xuất khẩu chỉ đạt 12%
 
Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện có gần 9.000 ha sản xuất hoa, chủ lực là 3 loại cúc, hồng và lay ơn; trong đó, hoa cúc chiếm hơn 37%. Theo thị hiếu của thị trường, hiện các giống cúc truyền thống của địa phương còn lại rất ít; phần lớn giống mới du nhập như: cúc đại đóa, cúc hạt nút, cúc Tiger, cúc Calimero, cúc các loại màu vàng, tím, đỏ... Thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, diện tích trồng hoa cúc ở TP Đà Lạt và các vùng phụ cận năm 2018 khoảng trên 2.200 ha, dự báo tiếp tục tăng nhanh thời gian tới. Hoa cúc chủ yếu trồng tại Đà Lạt, với tổng diện tích khoảng 2.150 ha, khoảng 1.500 hộ; còn lại tập trung nhiều tại huyện Lạc Dương. 
 
Tuy nhiên, ngành sản xuất hoa Đà Lạt - Lâm Đồng, trong đó có hoa cúc, sản lượng hàng năm tăng trên 15%, nhưng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 12% (hơn 3,1 tỷ cành). Vấn đề định hướng nền nông nghiệp bền vững là giảm diện tích gieo trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi ha đất. Nói cách khác, sản lượng và chất lượng hoa đặt hàng đầu; đặc biệt ứng dụng công nghệ cao. Với hoa cúc, nông dân luôn đối diện thực trạng là cây bị nhiễm virus. Gần đây, thời điểm tháng 4/2019, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 1.730 ha hoa cúc bị bệnh có khoảng 500 ha phải nhổ bỏ.
 
Nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng
 
Kinh nghiệm trồng hoa cúc 30 năm, nhiều lần đạt danh hiệu “Nông dân ưu tú Hàn Quốc”, ông Gook Jung-gap đã xây dựng tập đoàn xuất khẩu hoa tại Việt Nam. Hiện ông là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần HeavenFC, thành viên của Công ty KFs. Ông đã trực tiếp đến vườn hoa cúc của một số nông dân Đà Lạt và Công ty hoa Dalat Hasfarm®. Tại hội thảo, ông Gook chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể đến nhiều nông dân Đà Lạt. Những khác biệt giữa kỹ thuật của Hàn Quốc và Đà Lạt nhằm chỉ ra các ưu, khuyết điểm của hoa cúc Đà Lạt. 
 
Ông Gook cho biết, trước hết là chọn giống cây khỏe mạnh. Giống quyết định năng suất và chất lượng cành nhưng theo ông, nhà nông Đà Lạt không cập nhật được nhiều giống hoa cúc mới. Khi hiểu rõ về giống cũng có nghĩa là nắm bắt được thị hiếu thị trường tiêu dùng để hội nhập và tăng lợi nhuận kinh tế. Ông Gook cũng cho biết, hiện nay tại Đà Lạt, những giống cây cúc chủ yếu được trồng đều xuất hiện nhiễm bệnh, sâu bệnh, visus… trên rất nhiều cây mẹ. Để có giống tốt, đặc biệt quan tâm đến nơi sản xuất giống, hoặc tự làm vườn ươm như ông Gook với 4.000 m2 10 năm trước ở Hàn Quốc. Nói đến giống còn lưu ý khâu bảo quản và vận chuyển nữa. Yếu tố thứ 2 là cải thiện chất lượng đất. Nhiều yêu cầu nghiêm ngặt: hệ thống thoát nước; các thành phần dinh dưỡng dư thừa hay thiếu; phương pháp bổ sung phân bón và yếu tố vi lượng; tạo môi trường để vi sinh vật phát triển; kỹ thuật làm rò trồng;… Đó còn là: quản lý môi trường xung quanh (nhiệt độ, độ ẩm, môi trường); trồng luân canh (đất trồng 5 năm là tốt nhất); hướng trồng; hướng nhà kính; phương pháp tưới và nguồn nước tưới không bị nhiễm bệnh… Ông Gook khuyến nghị, nếu nhiều hộ liên kết đồng thời điều khiển một hệ thống đèn chiếu, màn che… thì hiệu quả đạt cao vì sự điều chỉnh phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây. Chuyên gia Gook Jung-gap còn chia sẻ nhiều về các kỹ thuật trước và sau khi trồng; xử lý bật và tắt đèn…
 
Sâu bệnh và thị trường đầu ra 
 
Vấn đề sâu bệnh đối với hoa cúc ảnh hưởng rất lớn đến thị trường thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Ngoài yếu tố hàng đầu là chọn giống khỏe mạnh thì các phương pháp phòng và chống các loại bệnh như đen thân, thối rễ, gỉ sắt, ruồi (bọ trĩ, bướm), nhện đỏ… cũng cần được quan tâm. Kiểm soát được môi trường và chọn thuốc là 2 khâu rất quan trọng để phòng và chống bệnh. Một bệnh thường gặp đối với hoa cúc là sọc thân, nhiễm qua virus. Giảng viên chính, Thạc sĩ Cao Thị Làn, quyền Trưởng Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt cung cấp cụ thể: virus xâm nhiễm vào tế bào cây ký chủ thông qua các vết thương trên cây. Khi cây chết, nó không còn lây lan vì nó sống theo cây. Hiện tượng nhiễm virus là xoăn lá, khảm lá, đốm lá. Không lây lan qua hạt giống, do đó khâu chọn giống cây đặc biệt quan tâm. Một trong những giải pháp kiểm soát là không cho con bọ trĩ, bọ phấn xuất hiện trên vườn. Những giải pháp phòng trừ bao gồm: vệ sinh vườn trước khi trồng; luân canh cây và không trồng cây khi đất đã nhiễm bệnh; cây giống sạch bệnh. Phương pháp điều khiển vectơ truyền virus gồm: trồng trong nhà kính kín (kích thước lỗ lưới từ 0,354-0,297 mm); sử dụng bẫy xanh, vàng (40 bẫy/1.000 m2 hoặc đặt so le cách nhau 3 m). Khi xuất hiện cây nhiễm virus, cần nhổ bỏ và giữ mật độ bọ trĩ dưới 30 con/bẫy/tuần. Áp dụng phòng, trừ ngay từ đầu; tăng cường khả năng kháng bệnh bằng hoạt chất; dùng thuốc bảo vệ thực vật (ví dụ OShin 1000SL)… 
 
Cũng là công ty thành viên của KFs, chuyên cung cấp hoa tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc - Công ty Han Flower, đã chia sẻ những kinh nghiệm đến nông dân Đà Lạt đầu ra của hoa cúc. Đó là các kênh bán hàng, nhất là ứng dụng Internet; những phương pháp quản lý về chất lượng sau thu hoạch… Công ty này cam kết với nông dân Đà Lạt sẽ tập huấn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch hoa cúc và thảo luận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là nội dung cùng với những vấn đề bổ sung vi sinh cho đất được nhiều nông dân Đà Lạt đặt ra sôi nổi đối với các nhà khoa học và chuyên gia. Sau hội thảo, các nông dân tham quan vườn trình diễn ươm giống và trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao của Hàn Quốc tại Đà Lạt.
 
MINH ĐẠO - Báo Lâmđồng