banner

Ứng dụng hoạt chất sinh học Chitosan - Axit amin trong canh tác nông nghiệp

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tại buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ “Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng hoạt chất sinh học Chitosan - Axit amin trong canh tác nông nghiệp” vừa diễn ra tại TP. HCM, đến tháng 9/2019, tại 31 quốc gia và 2 tổ chức WO và EP đã có 1.753 sáng chế về nghiên cứu và ứng dụng hoạt chất sinh học Chitosan - Axit amin trong canh tác nông nghiệp được công bố.

Trước đó, từ năm 1985 - 1999, số lượng sáng chế được công bố khá ít. Từ năm 2000 đến nay, số lượng công bố sáng chế tăng nhanh. Điều đó chứng tỏ nghiên cứu và ứng dụng hoạt chất sinh học Chitosan - Axit min trong canh tác nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm trên thế giới.

Chitosan là một polysaccharide mạch thẳng, có nguồn gốc từ các thành phần cấu trúc vỏ các loài giáp xác như tôm, cua… có hoạt tính sinh học cao và đa dạng, ít độc, đối kháng với nhiều loại nấm, vi khuẩn gây hại và vi rút; giúp kích thích sinh trưởng, kích thích quá trình nảy mầm của hạt, kích thích chồi rễ phát triển mạnh; mang các đa lượng, cung cấp dinh dưỡng đạm sinh học cho cây trồng…

Axit amin là nguyên vật liệu xây dựng cơ bản của phân tử protein, có vai trò cung cấp dinh dưỡng đạm sinh học cho cây trồng, tăng sức đề kháng của cây, tác dụng đến sự ra hoa và đậu quả; tăng tính hữu hiệu sinh học của nguyên tố vi lượng, tăng hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật…

Báo cáo kết quả thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học Nanochitosan - Amin bón lá cho cây lan Dendrobium Aridang Green của TS. Trần Thị Tường Linh - trưởng bộ môn sinh thái học, khoa sinh học, Trường ĐH sư phạm TP.HCM - cho thấy, Nanochitosan - Amin bón lá có tác dụng tốt lên chất lượng hoa, như tăng chiều dài phát hoa, đường kính và tuổi thọ hoa. Theo đó, sử dụng nồng độ 3% cho cây lan trong giai đoạn sinh trưởng và nồng độ 5% từ giai đoạn phát triển hoa để đạt hiệu quả cao.
Theo Khoahocphothong