banner

Xuất khẩu sụt giảm, nông sản tìm cơ hội từ trong thách thức

Bản báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sụt giảm xuất khẩu nông sản chủ lực trong nửa đầu năm 2019 cũng đưa ra phương án để vực dậy giá trị xuất khẩu cho những tháng cuối năm. Theo đó, các cơ hội từ hiệp định kinh tế và các dư địa trong phát triển xuất khẩu thủy sản và lâm sản sẽ được tận dụng triệt để.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Ảnh minh họa chụp tai một doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều. Ảnh: congthuong.vn

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay sang nuôi trồng thủy sản. Bởi theo đơn vị này, thị trường gạo trên thế giới hiện không còn nhiều dư địa như các ngành trái cây, thủy sản. Cụ thể, nhiều nước trước kia nhập khẩu gạo với số lượng lớn nay đã tự cung tự cấp, thậm chí lượng gạo xuất khẩu của các nước này còn tăng mạnh trong 1-2 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, diễn biến giá cả của thị trường thế giới đang tác động mạnh đến nông sản Việt Nam và việc Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực cũng đang dần tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5-10 năm. Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh ở một sân chơi rộng lớn, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét một số giải pháp.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam đang bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu như gạo, sắn, cà phê, điều…

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỉ đô la, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Những tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh. Trong dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo năm 2018 - 2019 ước đạt 499,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 494,9 triệu tấn của năm 2017 - 2018. Do đó, dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,2 triệu tấn và 460 triệu đô la, giảm 19% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.Giá xuất khẩu sản và các sản phẩm từ sắn tiếp tục giữ xu hướng giảm do nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục chững lại.

Xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943 ngàn tấn và 1,6 tỉ đô la, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo, giá cà phê thế giới và trong nước trong ngắn hạn sẽ giảm do dự báo thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục dư thừa nguồn cung. Theo tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2018-2019 đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về hạt điều, khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 197 ngàn tấn và 1,5 tỉ đô la, tăng 13,1% về khối lượng nhưng giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Ngọc Ánh - TBKTSG