banner

'Sóng gió' vẫn chờ ngành rau quả xuất sang Trung Quốc?
Nhiều quy định khắt khe hơn của Trung Quốc khiến hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng rau quả khó chen chân vào thị trường "hấp dẫn" nhất thế giới này.
 
Theo quy định từ Trung Quốc, kể từ đầu năm 2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó, các mặt hàng rau quả phải được dán nhãn truy xuất nguồn rõ ràng. Trên tem nhãn có đầy đủ các thông tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, quy cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
 
Ảnh minh họa: TTXVN

 

Để đáp ứng quy định mới nói trên của Trung Quốc, Việt Nam ngoài đẩy nhanh việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường Châu Âu và các thị trường khó tính khác. Các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực xuất khẩu.
 
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lao dốc. Biểu đồ: Thùy Dung
 
Báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc 11 tháng đầu năm chỉ đạt 2,24 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 13% so với năm 2018.Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 2% so với năm trước đó. Dù xuất khẩu sang nhiều thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan tăng nhưng khó có thể bù đắp được sự sụt giảm từ Trung Quốc, nơi chiếm tới hơn 65% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
 
Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 9 loại quả tươi gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán, đề nghị mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho 7 loại trái cây là sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi, sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen.
 
Tương tự rau quả, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu giảm. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được hơn 970 triệu đô la Mỹ sắn và sản phẩm sắn, tăng 1,6% so với năm 2018. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khi chiếm tới gần 90% thị phần, nhưng giá trị xuất khẩu đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập chính ngạch từ 13% xuống còn 10% khiến cho giá tinh bột sắn xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
 
Ngoài những mặt hàng giảm xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu một số mặt hàng như chè, thuỷ sản và gỗ vẫn tăng trưởng ấn tượng tại thị trường này.
 
Chè là sản phẩm cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc tại thị trường Trung Quốc. 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22,7 triệu đô la Mỹ, tăng gần 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu chè trung bình tăng gần 75%, đạt 3.002 đô la Mỹ/tấn.
 
Theo Bộ NN&PTNT, giá xuất khẩu chè tăng chủ yếu do Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các loại chè chất lượng cao hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân đối với các dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm chè thế hệ mới như chè thảo mộc, chè matcha hay chè hoa quả. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao và các sản phẩm chè có giá trị gia tăng cao sang thị trường này.
 
Ngoài chè, năm 2019 cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh xuất khẩu điều sang Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu điều năm 2019 đạt 3,29 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường chứng kiến tốc độ tăng trưởng thu mua điều lớn nhất của Việt Nam, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc tăng mua nhân điều từ Việt Nam để bù đắp cho các loại hạt khác nhập từ Mỹ do ảnh hưởng chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung Quốc.
 
Đối với thuỷ sản, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 9,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,7% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc khi tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt 10,52 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,2% so với năm 2018. Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc 11 tháng đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Thuỳ Dung - TBKTSG