Theo EurekAlert, thông cáo báo chí của Hiệp hội Phytopathological Mỹ cho biết, các nhà khoa học nước này đã đề xuất một chế độ luân canh cây trồng giúp bảo vệ vụ thu hoạch khoai tây.

Theo đó, trong đất luôn có một số lượng lớn vi sinh vật và ký sinh trùng, một số trong đó có thể gây bệnh cho cây trồng, như thường thấy với khoai tây. Ngoài ra, do trồng khoai tây, đất bị cạn kiệt nhanh chóng, bởi vì chất hữu cơ và khoáng chất đi đến củ và thân cây. Quá trình xử lý chuyên sâu và loại bỏ các nguyên tố nhất định làm cho đất không phù hợp để có một vụ thu hoạch tốt trong năm tới.

Do đó, các nhà khoa học đề xuất chế độ luân canh, trồng xen kẽ các loại cây khác nhau trên các cánh đồng để giảm nguy cơ nhiễm cùng các loài vi khuẩn và dành thời gian khôi phục nồng độ các chất chính bảo đảm duy trì độ phì nhiêu của đất. Sau 14 năm thử nghiệm trong lĩnh vực này, nhà nghiên cứu bệnh học thực vật Robert Larkin của Đại học Maine đã đề xuất giải pháp của ông.

Robert Larkin khuyên luân canh trồng khoai tây xen kẽ với các loài thực vật thuộc chi cải Brassica, bao gồm bắp cải, củ cải và rutabaga - củ cải Thuỵ Điển. Những loài rau cải này không chỉ làm gián đoạn chu kỳ của mầm bệnh và cây chủ - khoai tây, mà còn tự sản xuất các chất diệt vi sinh vật gây hại cho khoai tây. Sau đó vào mùa tới cần gieo lúa mạch đen mùa đông hoặc một loại cây trồng khác.

Một chu kỳ như vậy với thời gian ít nhất là 3 năm cho phép các cánh đồng có thể “nghỉ dưỡng” khỏi khoai tây và không cho phép bệnh tật phát triển trong vụ khoai tây tiếp theo.

Nhà khoa học cũng khuyến nghị chống xói mòn đất và bổ sung khoáng chất và chất hữu cơ trong đó bằng phân mùn và các loại phân bón khác.

Ông kết luận rằng luân canh cây trồng là một công cụ quản lý cơ bản có thể giúp duy trì, phục hồi và bổ sung tài nguyên đất. Đây là công cụ rất cần thiết cho việc quản lý các bệnh từ đất và duy trì năng suất cây trồng.

Vũ Trung Hương - Motthegioi