banner

Ai đang làm nông nghiệp công nghệ cao?

Trăn trở về nền nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã có những phân tích hết sức thấu đáo về vấn đề này.

vinh1165704481
TS Hoàng Ngọc Vinh.

Phụ thuộc vào nhiều lao động không phải là một nền nông nghiệp bền vững

Thưa ông, sau quãng thời gian dài kinh tế đất nước tập trung chủ yếu cho công nghiệp, đô thị, cho các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản thì thời gian gần đây, vai trò của nông nghiệp được nhận thức trở lại như một bệ đỡ của nền kinh tế. Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Ông đánh giá như thế nào về thực tiễn này? Vai trò của nền nông nghiệp đối với đất nước như thế nào và sự đầu tư đối với lĩnh vực này liệu đã xứng tầm hay chưa?

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lao động trong nông nghiệp nông thôn chiếm 40% lực luợng lao động của cả nước. Mặc dù chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đuợc Đảng và Nhà nuớc quan tâm từ nhiều năm trước, nhưng do quá trình thực hiện thiếu tính hệ thống, thiếu sự đồng bộ, cộng thêm nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, nên có thể đánh giá trong nhiều năm, nông nghiệp chúng ta phát triển chưa đạt được như kỳ vọng.

Điều đáng mừng là mấy năm trở lại đây ngành nông nghiệp đã có những khởi sắc, phát triển mạnh mẽ.

Nhìn khái quát nền nông nghiệp có vai trò to lớn không phải chỉ ở chỗ đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho xã hội mà còn đóng góp tới sự tăng trưởng của kinh tế với vai trò là một trong ba lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của đất nước. Nền nông nghiệp nước ta cũng là nơi tạo ra việc làm cho rất nhiều lao động, góp phần giúp cho sự phát triển ổn định của quốc gia.

Tuy nhiên, nông nghiệp truyền thống vốn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khai thác các yếu tố đầu vào về đất, lao động, nước và khi nền nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều lao động cũng không phải là một nền nông nghiệp bền vững.

Vì thế cần giải quyết đồng thời xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và giải phóng sức lao động trong nông nghiệp sang làm việc ở những lĩnh vực phi nông nghiệp khác thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc.

Trong vài năm trở lại đây, cùng với rất nhiều chương trình phát triển nông nghiệp nông dân, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng. Nhưng nhìn về mặt tổng thể nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, tập quán trồng trọt chăn nuôi ở nhiều vùng còn lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên và lao động.

Một hệ thống từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản chế biến và đưa sản phẩm ra ngoài thị truờng vẫn chưa thực sự đồng bộ, người nông dân vẫn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường, dịch bệnh, năng suất lao động còn thấp dẫn đến thu nhập của nguời nông dân chưa cải thiện được nhiều như mong đợi. Mặt khác quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm theo hướng sử dụng protein động thực vật, hoa quả và những sản phẩm đóng gói...

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được đòi hỏi khắt khe, nhưng nền nông nghiệp truyền thống đang gặp khó khăn để đáp ứng đuợc. Thời gian qua, nền nông nghiệp đã chớm xuất hiện chuỗi cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn đòi hỏi công nghệ bảo quản lạnh tốt và công nghệ block chain... tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu.

Việc hiện đại hóa nền nông nghiệp trong bối cảnh thách thức như vậy rất cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai làm nông nghiệp công nghệ cao? Vẫn đang khó để trả lời.

Bởi ngay trong bản Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 thì văn kiện chỉ nói sơ lược giải pháp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà chưa chỉ ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp như thế nào. Nguồn nhân lực này được đào tạo ở đâu thì trong văn kiện cũng chưa thấy nói cụ thể.

Với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện tại thì nguồn nhân lực là một bài toán đau đầu và nhiều nghịch lý. Chúng ta thừa mứa lao động nhàn rỗi ở nông thôn nhưng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đang phải đi thuê lao động có tay nghề ở nước ngoài. Chúng ta từng có cả chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tốn rất nhiều tiền của nhưng hiệu quả như thế nào đã rõ. Chúng ta cũng đang ở trong giai đoạn dân số vàng, nhưng có vẻ như chưa thể phát huy được lợi thế về mặt con người. Ông nghĩ gì về vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong nông nghiệp hiện nay?

Đúng vậy. Nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán khó giải và đầy thách thức. Điểm qua nông nghiệp công nghệ cao thế giới thì họ đang triển khai với ứng dụng của ICT từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến bảo quản, logistic, và tiếp thị. Nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng thành tựu của kỹ nghệ gen, ứng dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh sử dụng công nghệ nano, hình thành hệ thống canh tác nông nghiệp chính xác đảm bảo cung cấp nước, phân bón hợp lý còn gọi là nông nghiệp thông minh...

Nông nghiệp của họ đối phó với ảnh huởng của biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết, đối phó với sâu bệnh được giảm thiểu đến mức tuyệt đối nhờ tạo ra môi truờng vi khí hậu trong nhà kính xanh và hệ thống giám sát tốt. Mặt khác, nhờ công nghệ internet đã giúp tăng khả năng tiếp nhận tri thức mới, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực từ sản xuất, chế biến cho đến cung cấp các dịch vụ xã hội như tài chính, kỹ thuật...

Vậy mấu chốt ở đây là gì, thưa ông? Để tiến kịp với xu huớng đổi mới trong hệ thống nông nghiệp, dứt khoát giáo dục và đào tạo có vai trò rất lớn bằng việc trang bị cho nông dân, các nhà quản lý, cung cấp dịch vụ những kỹ năng mới của công nghệ nông nghiệp cao.

Như trên tôi vừa nói, trong Chiến lược phát triển Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 thì việc đề cập đến phát triển nhân lực thực hiện chiến luợc này chưa được cụ thể, rõ ràng. Một hệ thống các truờng kỹ thuật nông nghiệp mai một đi trong hơn hai thập kỷ qua khiến chúng ta chỉ còn lại các truờng đại học nông nghiệp đào tạo ra các cử nhân mà thôi.

Trong khi Trung Quốc còn hơn 140 truờng trung học nông nghiệp và học sinh của họ được huởng nhiều ưu đãi thì ở ta các cơ sở đào tạo hoặc chuyển thành truờng cao đẳng kinh tế kỹ thuật hoặc đổi tên trường. Chính vì thế nên những công nghệ mới rất khó có nguồn lực con người để chuyển giao là những kỹ thuật viên chỉ cần ở trình độ trung cấp.

Một chính sách khác là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng ít chú ý đến việc đào tạo kỹ năng công nghệ cao trong nông nghiệp do điều kiện hạn chế về nguồn lực (đội ngũ giáo viên, thiết bị công nghệ…), cũng như tư duy không theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh những hạn chế về tư duy chiến lược đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, hạn chế của chính sách thì cần thấy một thực tế là nhiều vùng khả năng người nông dân tiếp cận và lĩnh hội công nghệ tiên tiến còn rất hạn chế do những người còn đang trong độ tuổi lao động có hạn chế nhất định về khả năng học vấn để tiếp thu cái mới. Giới trẻ ở nông thôn lại rất muốn chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác có thu nhập cao hơn... Đó là những nguyên nhân khiến nguồn nhân lực trong nông nghiệp công nghệ cao đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Theo tính toán, năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo, ông nghĩ gì về con số này? Rõ ràng bài toán được đặt ra từ khá lâu, chúng ta cũng đã có những chính sách nhưng xem chừng chưa đáp ứng được thực tiễn?

Thực tế cho thấy chúng ta thiếu rất nhiều lao động có kỹ năng ở nhiều lĩnh vực kinh tế chứ không chỉ riêng ở lĩnh vực nông nghiệp. Có chăng, đối với lĩnh vực nông nghiệp thì vấn đề nguồn lực con người càng được thể hiện rõ khi chúng ta đổi mới mô hình tăng truởng, tái cơ cấu lại sản xuất...

Tôi muốn nói là lao động có kỹ năng, mà là kỹ thực thực chất chứ không phải những lao động được tính theo khái niệm mù mờ là lao động đã qua đào tạo. Đào tạo của chúng ta thì biết rồi, không nói lên đuợc điều gì cả và nhất là không có ý nghĩa trong việc làm chính sách.

sinh-vien-nong-nghiep-cong-nghe-co171036444
Sinh viên tham gia giờ học thực địa tại khu nhà kính của Viện Nghiên cứu Phát triển (Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế).

Ví dụ, một anh nông dân tháng trước được đào tạo về kỹ năng trồng trọt, tháng sau lại thấy anh ta tham gia khóa đào tạo về kỹ năng phòng trừ sâu bệnh… Chúng ta vẫn tính anh nông dân đó đã được đào tạo hai lần, nhưng kết quả thì chắc chắn không thể nào tốt được.

Theo dõi khá kỹ loạt bài "Con em nông dân đang học hành như thế nào?" trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích: Với các cơ sở giáo dục nhà nước, cần có quy hoạch lại hệ thống và chú ý đến việc đầu tư cho nhiều cơ sở về giáo dục nông nghiệp vốn đã bị ngó lơ trong hai thập kỷ qua. Trong công việc này, rất cần các truờng đại học giúp đỡ đào tạo lại giảng viên các cơ sở giáo dục nhà nước làm tiền để đổi mới chuơng trình và cách dạy học đáp ứng nhu cầu của đổi mới ngành nông nghiệp.

Theo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì mỗi năm chúng ta đào tạo khoảng 300.000 lao động để làm việc trong ngành nông nghiệp. Tôi xin nhắc lại là làm việc trong ngành nông nghiệp chứ không phải là nông nghiệp công nghệ cao. Phân biệt như thế để có thể thấy thừa ở chỗ nào và thiếu ở chỗ nào. Đề án này thực hiện đến nay đã đuợc gần 10 năm rồi, cần có đánh giá cẩn thận về hiệu quả của chương trình này để có những điều chỉnh kịp thời.

Rõ ràng cần phải có chính sách và điều quan trọng là tầm nhìn phải xa hơn để các chính sách không rơi vào tình trạng không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.  

Đường lối đã rõ, vấn đề là thực hiện thế nào

Theo ông, vấn đề nhân lực trong nông nghiệp, đặc biệt là chính sách đào tạo cần thay đổi như thế nào? Trên thế giới có nhiều quốc gia mặc dù tài nguyên đất đai không bằng chúng ta, điều kiện tự nhiên, khí hậu không bằng chúng ta nhưng nông nghiệp của họ vẫn vượt trội. Tất nhiên đó là câu chuyện của khoa học công nghệ nữa, nhưng yếu tố con người cũng hết sức quan trọng, để nông nghiệp thực sự đột phá, thực sự bền vững, ông nghĩ nên bắt đầu từ đâu?

Việt Nam so với nhiều quốc gia khác chúng ta có lợi thế hơn nhiều về điều kiện tự nhiên và khí hậu, nhưng vì sao nông nghiệp của chúng ta vẫn phát triển chưa xứng tầm với điều kiện tự nhiên được ban tặng. Nói khoa học công nghệ của ta còn nhiều hạn chế, cũng đúng, nhưng cần phải nói nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong nông nghiệp và đội ngũ nhân lực có kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao.

Đảng và Chính phủ khẳng định 3 trụ cột kinh tế tạo nên sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam hiện nay là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và du lịch. Như vậy đuờng lối đã rõ, vấn đề triển khai thực hiện như thế nào.

Để tạo ra buớc thay đổi đột phá trong sản xuất nông nghiệp cần có chú trọng đặc biệt đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực. Đội ngũ nhân lực này không phải chỉ những người nông dân hay công nhân nông nghiệp công nghệ cao mà cần phân tầng theo cơ cấu phân công việc làm của ngành nông nghiệp.

Đầu tiên phải kể đến tập trung đào tạo những nhà khoa học hàng đầu của ngành nông nghiệp, bởi vì đây chính là những chuyên gia tinh hoa dẫn đạo sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao bên cạnh những nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

Tiếp theo, những nhà quản lý ở cấp địa phương cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp hơn nữa để tạo ra chính sách và môi trường chính sách tốt hơn. Tiếp đến là đội ngũ kỹ sư, công nghệ viên và các nhà kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao (agropreneurs) cần phải được tiếp tục đào tạo để có thể lĩnh hội, tiếp nhận được sự tiến bộ của khoa học. Đây sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của các truờng đại học nông nghiệp và của các đại học khác.

Cuối cùng là đội ngũ những kỹ thuật viên và công nhân nông nghiệp công nghệ cao. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của các cơ sở giáo dục nghề nghiêp. Tuy nhiên, như trên đã nói, hệ thống các truờng trung cấp nông nghiệp ở các địa phuơng của chúng ta đã hoàn toàn rệu rã do các chương trình đào tạo không đuợc đổi mới, không cập nhật, ít đuợc quan tâm đầu tư, giáo viên thì năng lực hạn chế khi đào tạo kỹ năng công nghệ, người học thưa thớt dẫn đến phải giải thể hoặc sáp nhập với các trường khác.

Cần phải xác định, nhân lực làm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ các kỹ sư hay công nghệ viên mà rất cần một đội ngũ giỏi kỹ năng thực hành là các kỹ thuật viên để tập huấn chuyển giao công nghệ cho lao động nông nghiệp.

Chính vì vậy, việc cần làm truớc mắt Việt Nam nên xây dựng sớm chiến luợc phát triển nông nghiệp công nghệ cao để chỉ ra được những ưu tiên phát triển, cơ cấu lại ngành hàng, vùng sản phẩm và qui hoạch sản xuất, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cùng các cơ chế, giải pháp gắn với đầu tư về nguồn lực tài chính và nguồn lực con nguời.

sinh-vien-nong-nghiep170818608
Sinh viên Khoa học cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành ngoài ruộng mô hình.

Nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, nông nghiệp công nghệ cao càng đòi hỏi trình độ, vai trò thực tiễn của công tác đào tạo. Với một nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề như hiện nay, ông nghĩ gì về mục đích, tham vọng đào tạo được một nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu? Là 1 trong 7 thành viên của tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục, ông nghĩ gì?

Vai trò của các truờng đại học rất quan trọng trong đào tạo nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao. Nhiệm vụ đào tạo này không chỉ thuộc về các học viện, truờng đại học nông nghiệp mà là của hệ thống các truờng đại học phải vào cuộc. Bởi vì nông nghiệp công nghệ cao mang tính chất tích hợp của nhiều ngành đào tạo từ kỹ thuật công nghệ cho đến các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế. Đất nước cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các truờng đại học các viện nghiên cứu. Và điều này rất cần sự điều phối của Chính phủ với sự hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ GD-ĐT, nơi quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Tôi không hề bi quan truớc thực trạng nhân lực nông nghiệp công nghệ cao vì đường lối khá rõ rồi, cộng thêm nhu cầu trong lĩnh vực này ngày càng lớn.

Ngay như Nhật Bản là nuớc phát triển nhưng vẫn rất cần tăng truởng nông nghiệp. Thực tế nông nghiệp của họ đến năm 2020 đã tăng gấp đôi so với năm 2013, đó là nhờ vào cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ. Nguời nông dân Việt Nam đúng là đang thiếu rất nhiều thứ về kỹ năng công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh marketing, kiến thức và kỹ năng ICT... nhưng đó là những vấn đề khó có thể một sớm một chiều khắc phục đuợc.

Vì thế phải nhìn xa hơn ở tầm 10 - 15 năm, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới để tạo ra một thế hệ những thanh niên trẻ đủ tiềm năng để làm nông nghiệp công nghệ cao. Phải thúc đẩy giáo dục thường xuyên qua nhiều phương tiện truyền thông để nhanh chóng phổ biến tri thức, kinh nghiệm đến với những nguời công nhân nông nghiệp hiện tại và tương lai.

Xin cảm ơn ông!

“Với một đất nuớc có dân số gần 100 triệu dân, số người sống trong vùng nông thôn chiếm 65,6%, có thể nói lực lượng lao động khu vực nông thôn vẫn còn rất lớn. Vấn đề ở đây là thực tế trong những năm qua sự chuyển đổi cơ cấu việc làm trong ngành nông nghiệp diễn ra còn chậm.

Vì vậy, mấu chốt vẫn là chính sách đào tạo như thế nào để có thể vừa đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu việc làm, vừa đạo tạo được những lao động thực sự chất lượng để đáp ứng sự phát triển”.

TS Hoàng Ngọc Vinh

HOÀNG ANH - Báo NNVN