banner

Mô hình lợi ích kép
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) đã hoàn thành mô hình “Sản xuất khoai tây thương phẩm năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ tại vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng”. 
 
 
Theo đó, mô hình thu hút 150 nông hộ ở xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) và xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt) tham gia sản xuất 2 giống khoai tây Atlantic và PO3 trên tổng diện tích 25 ha. Tất cả nông hộ sản xuất đều được cung cấp nguồn giống, hướng dẫn quy trình chăm sóc theo kỹ thuật mới. Kết quả giai đoạn sau 50-60 ngày xuống giống, cả 2 giống khoai tây này đều bắt đầu tạo củ và phủ luống đạt tỷ lệ 100%, trên thân và lá cây gần như không xuất hiện các triệu chứng bệnh héo xanh. Và giai đoạn sau gần 100 ngày xuống giống, từng mô hình lần lượt bước vào thu hoạch đạt năng suất trung bình khoảng 25,6 tấn/ha, tăng 6,6 tấn/ha so với canh tác bằng các biện pháp thông thường. 
 
Trong cả thời vụ sản xuất khoảng 100 ngày nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa cùng Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai 6 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất mới cho gần 250 lượt nông hộ trong và ngoài mô hình. Đồng thời đã tổ chức 2 Hội nghị sơ kết khu vực Tây Nguyên và khu vực tỉnh Lâm Đồng với hơn 150 lượt nông hộ tham dự. 
 
Đáng nói ở mô hình đã liên kết với Công ty Dịch vụ Thương mại Sản xuất Sao Cao Nguyên và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt bao tiêu toàn bộ sản phẩm khoai tây Atlantic và PO3 thu hoạch nói trên để phân loại, đóng gói vận chuyển đến các nhà máy chế biến trong nước theo hợp đồng.
 
Theo đánh giá chung, đây là mô hình sản xuất khoai tây mang lại lợi ích kép cho nông dân thông qua việc chuyển giao quy trình kỹ thuật mới và kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.
 
VĂN VIỆT - LĐ online