banner

Công nghệ 4.0 làm nông nghiệp sạch

Vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị Giao ban CLB Khuyến nông đô thị lần thứ 1 năm 2019 và hội thảo chuyên đề: “Khả năng tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào SX nông nghiệp tại địa phương” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức.

09-53-08_nh
Ban chủ tọa tại hội nghị

Bà Trần Hoài Hương, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chia sẻ, đến nay, toàn thành phố có 127 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 25% tổng giá trị SX nông nghiệp.

Các mô hình SX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Đây là tiền đề để nông nghiệp Hà Nội tiến tới ứng dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh vào SX và đạt hiệu quả rõ nét hơn.

Bà Hương lấy dẫn chứng về HTX điển hình của thành phố, đó là HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Đây là HTX đầu tiên của TP. Hà Nội SX rau, quả an toàn áp dụng quy trình minh bạch điện tử VietGAP và được thị trường đón nhận.

Từ đầu năm 2016, trên diện tích 5ha, HTX đã tập trung phát triển mô hình SX rau an toàn theo hướng VietGAP. Để nâng cao hiệu quả và năng suất, HTX đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào SX như ứng dụng hệ thống tưới tự động, hệ thống nhà giàn để trồng rau rải vụ và phòng ngừa sâu bệnh.

Đặc biệt, HTX là cơ sở rau quả sạch đầu tiên áp dụng công nghệ truy xuất minh bạch EGAP Camera 24/7. Mọi quá trình SX canh tác của HTX đều được theo dõi bằng camera có độ phân giải cao, lưu trữ 30 ngày gần nhất giúp truy xuất một cách nhanh chóng hiệu quả.

Quá trình SX rau ở đây được giám sát bằng cụm thiết bị công nghệ hỗ trợ iMetos 3.3 AG quản lý minh bạch rau VietGAP. “Việc áp dụng đồng bộ thiết bị quản lý thông minh giúp cho HTX nâng cao hiệu quả SX, tiết kiệm chi phí, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm rau, củ, quả, đồng thời, giảm thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh gây ra”, bà Hương chia sẻ thêm.

Tại thành phố mang tên Bác, những năm qua, ngành nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đến nay, diện tích SX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 10%, lĩnh vực chăn nuôi chiếm khoảng 9,5% và lĩnh vực thủy sản chiếm khoảng 1,2 - 2,3% so với tổng diện tích SX nông nghiệp của toàn thành phố.

Cụ thể, tổng diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 431,9ha với 82 đơn vị, hộ SX, tỷ suất lợi nhuận 70%. Tổng diện tích trồng hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 13,9ha với 25 đơn vị, hộ SX và tỷ suất lợi nhuận bình quân năm là 47,94%.

Tổng đàn bò sữa chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên toàn thành phố là 805 con với 12 hộ chăn nuôi và tỷ suất lợi nhuận bình quân năm là 19%. Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 73,83ha với 104 hộ nuôi.

Toàn thành phố có 48 hộ nuôi cá cảnh ứng dụng công nghệ cao với 20ha cá nuôi hồ, tỷ suất lợi nhuận bình quân năm 44% và 250m3 cá nuôi bể kiếng, tỷ suất lợi nhuận bình quân năm 50%.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu một số mô hình SX nông nghiệp công nghệ cao điển hình. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chăn trắng 2 giai đoạn của ông Nguyễn Hoài Nam (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ).

Mặc dù chỉ là mô hình cá nhân, nhưng ông đã biết ứng dụng hệ thống sục khí oxy và siphon đáy, thiết bị quan trắc môi trường nước (kiểm soát pH, độ kiềm, N02, HZS) và bộ điều khiển tự cấp thức ăn cho tôm trong nuôi tôm với diện tích 7.500m2. Mật độ thả nuôi từ 500 - 600 con/m2 vào giai đoạn 1 và từ 200 - 250 con/m2 vào giai đoạn 2. Sau 90 ngày nuôi thì tôm đạt khoảng 40 con/kg, năng suất bình quân đạt 55 tấn/ha/vụ; lợi nhuận thu được khoảng 2,3 tỷ đồng/ha/năm.

Là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, nhưng Lâm Đồng lại đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Với nền tảng hiện có, việc phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0 được Lâm Đồng xây dựng với “3 trụ cột” là: Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử và nông nghiệp thông minh.

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm gần đây các doanh nghiệp, trang trại ở tỉnh Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây. Đến nay đã không ngừng phát triển, tạo sự lan tỏa với tốc độ nhanh làm thay đổi phương thức SX, khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đa chức năng, cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm.

Lâm Đồng có khoảng 22 doanh nghiệp, trang trại ứng dụng giải pháp IoT. Điển hình là Cty CP Chè Cầu Đất Đà Lạt có diện tích SX khoảng 210ha, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ nông sản lớn nhất Việt Nam.

Bàn về hội thảo với chuyên đề “Khả năng tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào SX nông nghiệp tại địa phương”, ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Để làm được, hệ thống khuyến nông các tỉnh phải hành động. Tìm hiểu, tiếp cận dần những mô hình nông nghiệp 4.0 vào SX. Tổ chức các lớp tập huấn để làm giàu kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo khuyến nông các cấp…