banner

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nhiều kết quả quan trọng
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Ðồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, Lâm Ðồng đã đạt nhiều kết quả quan trọng về thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo ra nguồn lực mới gắn kết giữa sản xuất với thị trường nông sản. 
 
Doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động trên địa bàn Lâm Đồng. Ảnh: V.Việt
Doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động trên địa bàn Lâm Đồng. Ảnh: V.Việt
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, hơn 11 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 1.425 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 22,2% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Đáng nói qua từng năm, số doanh nghiệp đăng ký đầu tư nông nghiệp ở Lâm Đồng đều tăng. Cụ thể, nếu như năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 20 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ hơn 150 tỷ đồng, thì năm 2015 tăng lên 147 doanh nghiệp với 547 tỷ đồng. Và đến năm 2019 con số này tăng lên gần 150 doanh nghiệp với 1.655 tỷ đồng. 
 
Qua phân loại gồm: 959 doanh nghiệp trồng trọt, 66 doanh nghiệp chăn nuôi và 400 doanh nghiệp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 234 HTX và 300 tổ hợp tác, 952 trang trại nông nghiệp hoạt động theo phương thức “cùng sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ”. Tính đến đầu năm 2020, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 57.715 ha, chiếm 16,8% tổng diện tích đất canh tác. Hiện đã có 10 doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả khảo sát của ngành chức năng cho thấy: “Doanh nghiệp nông nghiệp Lâm Đồng đã ứng dụng hiệu quả các mô hình sản xuất công nghệ cao như: công nghệ nhà kính, nhà lưới, thủy canh, giá thể, tưới tự động, nhỏ giọt, nhân giống invitro, màng phủ nông nghiệp, ghép cải tạo, cảm biến tự động, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, cơ giới hóa các khâu rửa vỉ, gieo hạt, đóng giá thể….”. Theo đó, ước tính doanh nghiệp nông nghiệp ở Lâm Đồng đã đầu tư sản xuất khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm 26% trên tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Riêng xây dựng nông thôn mới, khu vực doanh nghiệp nông nghiệp Lâm Đồng hàng năm đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng 15% tổng nguồn vốn đầu tư toàn chương trình. 
 
Trồng rau thủy canh tại Phường 7, Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Trồng rau thủy canh tại Phường 7, Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
 
Nếu tính trong giai đoạn năm 2016 - 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp chứng nhận đầu tư 6 dự án hoạt động chế biến nông sản, tổng nguồn vốn đăng ký gần 107 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng hơn 7,5 ha. Đặc biệt, đến nay, có 72 doanh nghiệp FDI đầu tư nông nghiệp ở Lâm Đồng với tổng vốn đăng ký 314,3 triệu USD. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả cao như: Tập đoàn Bejo đầu tư 11,5 triệu USD sản xuất giống rau tại huyện Lâm Hà với quy mô lớn nhất Đông Nam Á; Công ty TNHH Agrivina đầu tư 25 triệu USD nhân giống hoa cao cấp tại Đà Lạt… Thống kê được biết, thông qua hoạt động của các dự án đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở địa phương, hàng năm đóng góp 18 - 20% GRDP của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, để đạt nhiều kết quả quan trọng về thu hút đầu tư nông nghiệp trong thời gian qua, Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch với các Khu Công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội (359 ha), Tân Phú (323 ha); Ấp Lát và Đạ Đeum (518 ha); Khu quy hoạch ứng dụng công nghệ cao tại Lạc Dương (221 ha); 10 Cụm Công nghiệp (gần 345 ha). Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng đang quy hoạch thêm 5 khu nông nghiệp công nghệ cao mới tại Đà Lạt và vùng phụ cận để tiếp tục thu hút đầu tư trên tổng diện tích khoảng 1.400 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã nhận định về triển vọng của các khu quy hoạch này khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Đồng thời, dự báo “đây là các doanh nghiệp đầu tàu, hạt nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp. Dự án đầu tư của các doanh nghiệp sẽ trở thành những mô hình thiết thực, hiệu quả nhất để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân. Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho các vùng sản xuất tập trung, hình thành thêm nhiều chuỗi giá trị liên kết hiệu quả bền vững, lâu dài ở Lâm Đồng…”.
 
VĂN VIỆT - Baolamdong