banner

Giá nông sản biến động thất thường
Nhu cầu thị trường thu mua rau, củ trong và ngoài nước vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, đã tác động mạnh lên nhiều loại nông sản tại Lâm Đồng. 
 
Theo ghi nhận, hiện nhu cầu tiêu thụ nông sản Lâm Đồng không giảm sức mua từ các đối tác, thương lái ở các thành phố lớn nhưng lại giảm mạnh ở nhiều tỉnh, khiến nông dân và các đơn vị cung ứng phải hợp tác thu hái và xuất bán cầm chừng, nhằm tránh cảnh bán rẻ, bán lỗ so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, cũng do dịch bệnh COVID-19, giá một số mặt hàng nông sản lại tăng mạnh.
 
Mặt hàng ớt ngọt đang xuống giá mạnh, mua tại vườn chỉ còn 1.000-2.500 đồng/kg.
Mặt hàng ớt ngọt đang xuống giá mạnh, mua tại vườn chỉ còn 1.000-2.500 đồng/kg.
 
Ớt ngọt, xà lách, bắp cải... giảm giá sâu
 
Khác với cùng kỳ năm trước, ở thời điểm này, không khí tại nhà vườn chuyên thâm canh trồng ớt ngọt, xà lách, lơ trắng... trầm lắng hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do nhiều loại rau này giá xuống khá thấp, được dự báo tiếp tục xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới, bởi nguồn cầu gần như bị chững lại.
 
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Hòa (TP Đà Lạt) cho biết, hơn một tuần qua, giá các loại xà lách, mướp, bắp cải, bí đều giảm giá khá mạnh, với giá bán tại ruộng chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi đó tại thời điểm này năm trước bán với giá gấp đôi, từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Ông Hòa cũng so sánh, nếu nông dân bán giá rau, củ, quả ở mức từ 7.000 - 8.000 đồng/kg thì có lãi khoảng 45 triệu đồng/ha/vụ (sau khi trừ chi phí); còn với giá thấp như hiện tại nông dân huề vốn hoặc thua lỗ từ 10-20 triệu đồng/ha.
 
Bà Phạm Thị Hoa (54 tuổi, ngụ Phường 7, TP Đà Lạt) chia sẻ, gia đình có 5 sào xà lách đang cho thu hoạch, nhưng giá rau đang giảm sâu, khiến gia đình thất thu lớn. “Hiện xà lách tới ngày thu hoạch thương lái vào vườn mua với giá 600-700 đồng/kg. Với giá bán này, tôi thua lỗ ít nhất khoảng 10 triệu đồng/1.000 m2” - bà Hoa nhận xét. Đáng ngại hơn, tương tự bà Hoa, hiện cả chục ha xà lách đang tới ngày thu hoạch, nhiều hộ không thể bán được, hoặc bán với giá rất rẻ, tiền thu về không đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch.
 
Tại vùng chuyên canh hàng ngàn ha rau ở huyện Đơn Dương, bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay: Một số mặt hàng rau giá đang xuống thấp, các nông hộ phải bán cầm chừng nhưng chưa tới mức đổ bỏ. Rớt giá sâu nhất là ớt ngọt, xà lách. Hiện giá ớt ngọt thương lái thu mua tại vườn tính bình quân 1.000-2.500 đồng/kg tùy loại, xà lách 2.000-3.000 đồng/kg, lơ trắng 6.000-7.000 đồng… 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) Lâm Đồng, thời gian đầu dịch (khoảng tháng 1 và tháng 2/2020) thì một số mặt hàng rau thường dùng có giá tăng khoảng 40% như khoai tây, sú tim,... do thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc về các tỉnh giảm. 
 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng này đã giảm từ 49,39% - 62,2%. Trong đó, nhóm rau ăn lá giảm sâu nhất từ 49,4 - 58,2% so với trước dịch bệnh. Cụ thể, bắp cải giảm từ 62,5-83,3%; xà lách giảm 50-56,25%; súp lơ 50-53% và cải thảo giảm từ 35-40% so với thời điểm trước khi dịch xảy ra. Nhóm rau ăn quả giảm từ 37,5-73,3% (ớt ngọt 64-73,3%, ớt sừng 37,5-60%; dưa Pepino 28,6-33,3%). Trong khi đó, ngược lại mặt hàng cà chua, khoai tây giá tăng từ 20-70% so với thời điểm trước dịch xảy ra. Nguyên nhân đây là nhóm cây ăn củ, quả có thể dự trữ, bảo quản được lâu, vận chuyển đi xa và các thị trường ưa chuộng.
 
Rau ngắn ngày, giống mới khó bán
 
Ghi nhận sáng ngày 15/4 tại các đơn vị cung ứng nông sản lớn ở Đà Lạt và các huyện lân cận, lượng nông sản chuyển đi các tỉnh phải giảm mạnh từ gần 40% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi đó, lượng nông sản cung ứng cho TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn không khác biệt với những ngày chưa có dịch COVID-19. Ông Nguyễn Công Thừa, Tổng Giám đốc HTX Anh Đào, Đà Lạt cho biết: “Ở các tỉnh sức mua giảm, nguyên nhân được xác định là do nhóm cư dân đô thị là khách hàng chính của các đơn vị phân phối nông sản Đà Lạt lùi về quê và sử dụng nông sản được trồng, tiêu thụ trong vùng”. Hiện lượng nông sản mỗi ngày đơn vị này xuất đi giảm khoảng 40% so với trước tháng 4 (tương đương với 50% so với cùng thời điểm năm ngoái, khoảng 15 tấn/ngày). Các loại rau, củ thông dụng được người dân mua nhiều, trong khi các loại nông sản giống mới rất khó bán, thậm chí phải lưu kho để chế biến khô. 
 
Đại diện Công ty Phong Thúy (chuyên cung ứng rau sạch cho hệ thống siêu thị, chợ đầu mối đóng tại huyện Đức Trọng) cho biết, nếu tính trung bình thì lượng nông sản cung cứng cho các siêu thị và chợ tại TP Hồ Chí Minh không giảm so với trước khi có lệnh giãn cách xã hội, nhưng có những ngày các siêu thị đặt hàng tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch, cũng có những ngày lượng đặt hàng giảm mạnh. Theo đại diện công ty, tâm lý mua tích trữ ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng không chỉ của công ty mà nhiều đơn vị cung ứng nông sản lớn khác đóng tại vùng nông sản Đà Lạt. 
 
Hiện nay, Sở NN và PTNT Lâm Đồng đã có văn bản khuyến cáo các nông hộ điều chỉnh sản xuất. Đồng thời yêu cầu các công ty cung ứng nông sản phối hợp với nông dân để điều tiết trồng và thu hái theo hưởng giảm diện tích trồng, giãn thời gian thu hái, để tránh tình trạng cung nhiều hơn cầu.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN và PTNT Lâm Đồng cho biết thêm, nhìn chung đến thời điểm này, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: hoa các loại, rau ăn lá và trái cây (bơ, sầu riêng ...) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do các chợ đầu mối, các siêu thị đều cắt giảm các đơn hàng; các hoạt động xuất khẩu nông sản bị đình trệ do các nước đóng cửa biên giới chống dịch. Tuy nhiên, các mặt hàng rau ăn củ, quả giá cả tương đối ổn định: như khoai tây, cà rốt, cà chua,... do bảo quản được lâu, vận chuyển xa và hiện không bị cạnh tranh bởi sản phẩm từ Trung Quốc và các thị trường khác.
 
“Đối với hộ cá thể trồng các mặt hàng rau, hoa rớt giá đang gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh COVID-19, chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND tỉnh cũng như các bộ, ngành xin được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Sơn thông tin.
 
C.THÀNH - Baolamdong