banner

Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2026: Điểm mới và sự kỳ vọng phát triển

“Cơ cấu lại nông nghiệp; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao là những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nếu kỳ vọng, tôi chọn 3 điều: Đầu tư cao hơn cho nông nghiệp, cấu trúc lại nông nghiệp và nông nghiệp tuần hoàn bởi đó là nền tảng phát triển “3N” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Và 25 năm xây dựng trưởng thành – Tạp chí Nông thôn mới cần tiến nhanh hơn về bạn đọc – Đó là nội dung trong câu chuyện đầu Xuân với Chuyên gia Greenid (Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh) ông Hoàng Trọng Thủy.

Ông Hoàng Trọng Thủy

Chào Xuân mới có gì vui đấy…

 

Tôi mượn ý trong bài thơ của Tố Hữu để chào và mở câu chuyện về nông nghiệp ngày đầu Xuân mới. Ấn từng ngón tay, ông Thủy kể: Nhiều lắm, nhưng chọn ba: Vui nhất là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên năm 2021 là 1.600 tấn sang Singapore là 450 tấn, sang Malaysia 1.150 tấn, gồm 2 loại gạo Jasmine 85 với giá 680 USD/tấn, gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn. Đây là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi nước ta ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ở ĐBSCL giá thóc thơm Jasmene có thời điểm tới 7.200đ/kg, thóc IR là 6.800đ/kg. Giá thóc mà cao như vậy, nông dân đã có lãi rồi! Tôi vừa nhận được tin từ Bộ Công Thương, đầu năm nay, nhu cầu nhập gạo của các nước khá nhiều, đặc biệt là Philippines tăng cao. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám ký hợp đồng lớn vì sợ thị trường gạo biến động mạnh và phí vận tải tăng gần gấp hai.

Thứ hai, Cơ sở Cây giống Ngọc Vinh (xã Hưng Khánh Trung A, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đã đi đầu sản xuất, tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển giống vú sữa MICA chịu mặn, không mủ, không nhão ruột, ít hạt. Cơ sở Ngọc Vinh đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để đưa trái vú sữa tím MiCA sang thị trường châu Âu và mong muốn bà con mạnh dạn đầu tư. Cơ sở còn cam kết bao tiêu sản phẩm trong thời hạn 5 năm, sau đó, sẽ ký hợp đồng tiếp. Trong 5 năm đầu, Ngọc Vinh sẽ mua giá 60.000 đồng/kg. Nếu bà con nông dân tâm huyết đầu tư vào vú sữa tím MiCA, Ngọc Vinh sẵn sàng hỗ trợ nợ 40% tiền cây giống, đến khi thu trái mới thu tiền. Thế là vui chứ! Ông Thủy mở đôi bàn tay: Đã có cách nghĩ tích cực từ việc tìm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm trước, sau đó là tổ chức sản xuất, có hỗ trợ đầu vào, mua bán có hợp đồng với nông dân ổn định một giá là 5 năm thì đúng là “địa lợi, nhân hòa rồi”!

Còn thứ ba – Ông lôi ra hộp khoai tây vỏ màu tím. Ông bảo, quà biếu Tết của cô bác nông dân Vân Hồ (Sơn La) gửi. Mùa này, cô bác đã trồng thành công giống khoai tây tím theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Đây là giống khoai tây tím bản địa có trên 8.000 năm ở các sườn núi Peru Bolivia đã tương thích với những cánh đồng rừng vùng núi Sơn La. Những người bị huyết áp cao có thể ăn khoai tây tím để giúp ổn định huyết áp vì trong khoai có một hàm lượng lớn chất poliphenol. Lượng đường trong khoai tây tím cũng ở mức thấp nhất trong các dòng khoai.

Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì nay đơn hàng đã trở lại. Vui cho doanh nghiệp, vui cho Nhà nông. Nhà vườn mà lai tạo giống vú sữa ăn được cả vỏ, cây khoai tây ở Nam Mỹ được thực sinh ở Việt Nam thì kỹ sư, chuyên gia cây trồng cũng phải “ngả mũ chào” nông dân Mỏ Cày, Vân Hồ. Còn gì vui hơn khi nông dân đang tự thay đổi mình từ trọng sản lượng sang trọng giá trị, làm đúng quy trình và tiêu chuẩn của hợp đồng. Làm nông nghiệp mà có hàng để bán, bán được giá cao thì vừa nhàn, vừa vui và làm gì phải kéo nhau lên thành phố làm thuê.

Cắt băng phát lệnh xuất phát xe chở lô gạo xuất khẩu đầu tiên năm 2021 của Công ty Trung An (Cần Thơ). Ảnh: Ngọc Thắng.

“Mới” và kỳ vọng phát triển

Vấn đề cốt lõi của “3N” đã được Đại hội XIII quyết nghị thế nào? Trong đó, vấn đề nào là “mới” và sự kỳ vọng của ông trong phát triển?

Trong Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2026 và ý kiến thảo luận tại Đại hội XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khá nhất quán, đó là “… Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.

Điểm mới của “3N” trong Đại hội XIII có nhiều trên nền tảng kế thừa và phát triển, nhưng gom lại 4 nhóm vấn đề lớn: Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Kỳ vọng sự phát triển – Nếu được chọn, tôi chọn 3 điều tạo nên sự thay đổi lớn, làm nền tảng cho phát triển, gồm: Đầu tư cao hơn cho “3N”; Cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và Nông nghiệp tuần hoàn.

Về đầu tư: Nông nghiệp thời thịnh vượng phải kể đến 10 năm 1990 đến 2000. Khi đó, chính sách đầu tư được ưu tiên cho thủy lợi, chuyển giao KHKT và xây dựng giao thông nông thôn. Với tỷ trọng 34,4% – nông nghiệp đã có bước tiến vượt bậc về năng suất, chất lượng và nông sản xuất khẩu; thu nhập của người nông dân từ SXNN tăng lên nhanh nhất. Nhìn lại 20 năm qua, đầu tư cho nông nghiệp giảm dần từ 34,4% xuống 24,3%, 12,6% và 5 năm gần đây chỉ còn 5,8 đến 6,02%. Do đầu tư thấp, không đúng theo tinh thần NQ 26 của BCH Trung ương khóa X là “5 năm sau phải cao gấp 2 lần giai đoạn trước” đã làm cho nông dân chạy theo sản lượng, lạm dụng quá nhiều hóa chất, gây nên hệ lụy về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiễm độc đất, ô nhiễm môi trường và ngày càng gia tăng bệnh ung thư cho xã hội. Muốn nông nghiệp phát triển bền vững. Muốn tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trong kinh tế thị trường. Muốn người nông dân chuyện nghiệp. Muốn SXNN thích ứng với biến đổi khí hậu… thì việc đầu tiên phải là nguồn tài chính đầu tư từ ngân sách nhà nước. Không có đầu tư thì không có phát triển – đấy là quy luật!

Xuất khẩu tôm ước đạt 3,66 tỷ USD đã bù cho những khó khăn của ngành hàng cá tra, giúp thủy sản không bị tụt mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Ảnh: LHV.

Về cấu trúc lại ngành Nông nghiệp: Hiện nay còn có sự nhầm lẫn kể cả trong cán bộ và người nông dân về tái cơ cấu nông nghiệp với cấu trúc lại ngành Nông nghiệp. Sự nhầm lẫn về nhận thức nên nông nghiệp chưa có “đột phá” về quy mô phát triển, năng suất lao động, chất lượng nông sản và năng lực cạnh tranh. Vì sao? vì tái cơ cấu tức là chỉ xác lập lại các vị trí và mối quan hệ của những yếu tố đã có. Còn tái cấu trúc là làm lại từ đầu, từ nền móng cho tới đỉnh với một tương tác mới trong hệ thống, để tạo ra một chất lượng mới làm điều kiện cho phát triển thị trường, tăng trưởng xanh và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nếu là tái cơ cấu, thì trên một thửa ruộng trồng 2 vụ lúa, chúng ta chỉ cần thay đổi bằng cách trồng 1 vụ lúa và làm 1 vụ tôm hay rau màu khác mà không cần phải thay đổi kết cấu hạ tầng. Còn tái cấu trúc là phải xác lập lại chiến lược sản phẩm, xây dựng lại kết cấu hạ tầng phù hợp với chiến lược sản phẩm, xây dựng lại thể chế quản lý cả vi mô lẫn vĩ mô. Để nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho nông dân, chúng ta nên tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, từ phạm vi toàn quốc đến từng vùng rồi tới các tiểu vùng. Lâu nay chúng ta nói là nông nghiệp có 7 vùng sinh thái, nhưng khi làm nông thôn mới lại đi lập quy hoạch từ xã. Làm vậy là sai, bởi không thể nào phát triển một nền nông nghiệp bền vững mà lại bắt đầu từ quy hoạch xã, vì nó sẽ phá vỡ cơ cấu chiến lược. Mà phải xây dựng cơ cấu, chiến lược phát triển nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, trên phạm vi nền nông nghiệp quốc gia và trong phạm vi từng vùng sinh thái, cho đến từng tiểu vùng, không phân biệt theo cấp hành chính. Còn quy hoạch, xây dựng chiến lược theo từng cấp hành chính thì sẽ xảy ra tình trạng mâu thuẫn mạnh ai nấy làm, trượt tiêu động lực và thế mạnh của nhau…Thế là, kéo nhau xuống dốc, chia nhau cái nghèo thì sao “3N” phát triển bền vững và người nông dân mới khấm khá lên được.

Về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả hai mục tiêu: ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các HTX, trang trại và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế. Những vấn đề về quản lý và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp trước những áp lực của suy giảm tài nguyên, gia tăng chất thải, an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu là những thách thức lớn đối với Việt Nam.

Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra hệ sinh thái khép kín, cân bằng hơn và thúc đẩy chu trình chuyển hóa vật chất trong tự nhiên. Trong đó, con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình tự nhiên xảy ra nhanh hơn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Quy mô của nông nghiệp tuần hoàn có thể rất đa dạng, từ quy mô hộ gia đình đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng, xã, vùng cho đến quy mô toàn quốc. Nông nghiệp tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Sản xuất lúa gạo đã làm tròn vai trò đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu ngày càng cao về giá trị trong năm 2020. Ảnh: LHV.

Chung một con đường

Tạp chí Nông thôn mới bước sang tuổi 25 với nhiều hy vọng lớn và đồng hành với “tam nông”?

-25 năm chung một con đường với nông dân, nông thôn, nông nghiệp và Báo chí Cách mạng Việt Nam – Tạp chí Nông thôn mới đã có bước tiến rất dài, tươi tắn hơn về hình thức, nội dung và phong cách thể hiện. Tạp chí đã đem tới bạn đọc cả nước một lượng thông tin lớn, nhiều chiều, thiết thực, có tính tổng kết và tổ chức hành động tập thể trong xây dựng người nông dân mới, nông thôn mới và xây dựng Hội Nông dân vững mạnh về mọi mặt. Nhiều cán bộ, hội viên nông dân đón đọc Tạp chí Nông thôn mới như một tình yêu, các nhà làm chính sách “tam nông” tìm thấy trong Tạp chí những tư liệu, những cách làm hay, những khát vọng và cả “nỗi đau” khi có những địa phương tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà bỏ mặc người nông dân đứng ngoài lề phát triển – Dấu ấn Tạp chí Nông thôn mới là kiến thức!

Hội nhập và sự bùng nổ thông tin, trong bài toán tăng trưởng – “tam nông” vẫn còn đó những hạn chế, những “điểm nghẽn” về đất đai, thị trường, về đầu tư và phân bổ nguồn nguồn lực… đã trở thành rào cản phát triển, xây dựng nông thôn mới, nâng cao sức cạnh tranh nông sản và thu nhập của nông dân. Bạn đọc trông chờ và đón đọc nhiều hơn khi có những bài, tuyến bài về khoa học kỹ thuật công nghệ mới, bài phân tích, phản biện xã hội về chính sách “tam nông”; bài tổng kết thực tiễn và điển hình tiên tiến của phong trào nông dân, công tác xây dựng Hội. Đồng hành với Nhà nông của Tạp chí Nông thôn mới mà cái hồn cốt của nó là sự tương tác với bạn đọc được ví như “phố hai chiều”.

Trong đó, dấu ấn của bài viết phải là sự thuyết phục từ những phân tích lý giải khoa học về phát triển trong thực tiễn, gợi mở, định hướng, góp phần tổ chức hành động tập thể trong phát triển nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững, trong xây dựng nông thôn mới tiến bộ, văn minh và việc làm, thu nhập, sinh kế của người nông dân trong cơ chế thị trường. Đồng thời phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Mọi sự giáo điều sẽ trở nên lạc lõng hoặc làm hao mòn sự tương tác, đồng sáng tạo của Bạn đọc với người làm báo – Dấu ấn của Tạp chí Nông thôn mới là tin cậy và nỗ lực vượt khó của những người làm báo.

Đại hội XIII đã thành công. Đất nước trong độ chuyển mình. Nông nghiệp bắt đầu vào vụ mới. Trên mỗi cánh đồng, trang trại sẽ bừng lên sức sống mới và người nông dân sẽ tràn niềm tin. Hãy tin, Đất nước – mỗi ngày lại thêm luồng gió mới – Ông Thủy cười và chia tay chúng tôi trong câu chuyện đầu Xuân nồng nàn và bổ ích.

Còn gì vui hơn khi nông dân đang tự thay đổi mình từ trọng sản lượng sang trọng giá trị, thực hiện đúng quy trình và tiêu chuẩn theo hợp đồng. Làm nông nghiệp mà có hàng để bán, bán có hợp đồng, có giá cao thì vừa nhàn, vừa vui và làm gì phải kéo nhau lên thành phố làm thuê.

Tái cấu trúc là phải xác lập lại chiến lược sản phẩm, xây dựng lại kết cấu hạ tầng phù hợp với chiến lược sản phẩm, xây dựng lại thể chế quản lý từ cấp Trung ương đến cấp địa phương để nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho nông dân. Nếu còn loanh quanh với tái cơ cấu thì câu chuyện về cây trồng, vật nuôi cũng chỉ là sự “đổi chỗ” và làm đẹp thành tích mà thôi!

Đào Ngọc Thủy - Langmoi