banner

Đẩy mạnh sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2018 liên tục tăng với tốc độ từ 20 - 40%. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả lại sụt giảm do chiến tranh thương mại và tác động từ đại dịch Covid-19. Mặc dù rau quả Việt Nam từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ mặc dù bị tác động của dịch khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này giảm nhưng ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm không lớn và chỉ trong thời gian ngắn. Trong sự sụt giảm đó vẫn có những mặt hàng tăng trưởng như sản phẩm chế biến và sự gia tăng về chủng loại. Năm 2021, sản xuất, tiêu thụ rau quả của Việt Nam sẽ khôi phục và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh.

Cần đẩy mạnh sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh minh họa. 

Trước xu hướng tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, tự cấp tự túc gia tăng đã tạo ra nhiều rào cản mới như giảm nhập khẩu tiểu ngạch, nâng cao yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết vùng, địa phương tạo thành chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả cao.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu.

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin thị trường về các quy định phải tuân thủ khi nhập khẩu sản phẩm vào thị trường nước ngoài, hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, nhà doanh nghiệp để giảm thiểu những trục trặc và rủi ro khi tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu rau quả.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu hợp lý để giảm rủi ro thiệt hại cho doanh nghiệp khi thị trường biến động. Nhà nước cần có những biện pháp kích thích kinh tế hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, trước những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng dễ tiếp cận và hiệu quả hơn như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thuế, gia hạn nộp thuế; giảm hoặc gia hạn khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…

Mai Phương - VietQ