banner

Cà phê đặc sản: Nâng tầm giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt

Phát triển cà phê đặc sản được xem là nhu cầu cấp bách và là chiến lược để giúp ngành hàng cà phê Việt Nam khai thác phân khúc thị trường mới

Đồng thời, cà phê đặc sản sẽ “dẫn dắt” ngành cà phê vào lộ trình nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

ca-phe.jpg

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu nâng diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê nước ta.

“Làn sóng cà phê thứ 3”

Theo Bộ Công Thương, thuật ngữ “cà phê đặc sản-specialty coffee” có nguồn gốc từ Mỹ. Ban đầu thuật ngữ này được sử dụng để mô tả các loại cà phê được bán trong các cửa hàng chuyên doanh cà phê, không phải là các loại được bán tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ khác.

Cà phê đặc sản được coi là “làn sóng cà phê thứ 3” sau hai làn sóng là phổ thông hóa việc tiêu thụ cà phê và tiêu thụ các loại cà phê có chất lượng cao hơn. Nói cách khác, xu hướng tiêu thụ cà phê có vẻ như đang dịch chuyển dần về “chất” hơn là “lượng”.

Để được công nhận là cà phê đặc sản, sản phẩm đó phải đạt được ít nhất 80/100 điểm theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới (SCA), xét trên 10 tiêu chí về chất lượng và hương vị.

Theo số liệu mới nhất, 1kg hạt cà phê thượng hạng (đặc sản) đã rang có thể có giá từ 35-65 USD (tương đương 800.000 - 1.500.000 đồng), có loại còn lên tới 1.000 USD/kg như loại Geisha Panama.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho hay, để có được cà phê đặc sản, cần có giống chất lượng cao, vùng trồng thích hợp, vùng càng cao, chất lượng càng ngon. Quy trình canh tác phải phù hợp, đặc biệt chú ý đến cây che bóng. Thu hoạch và chế biến sau thu hoạch cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn.

Tiềm năng lớn

Hiện, thế giới đang thiếu hụt nguồn cung cà phê đặc sản. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu thủ phủ cà phê Robusta đó là 5 tỉnh Tây Nguyên và cà phê Arabica ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị. 

Thay vì tập trung vào lượng lớn cà phê thương phẩm có chất lượng trung bình (comercial robusta) và cà phê Arabica, Việt Nam có thể thay đổi 10 - 30% sản lượng, tùy từng niên vụ, thành cà phê Robusta đặc sản (fine robusta) và cà phê Arabica. Điều này sẽ mở ra cơ hội nâng cao hình ảnh cà phê Việt Nam đồng thời cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Đắk Lắk đã có sản phẩm cà phê chỉ dẫn địa lý với vùng trồng thích hợp và có chất lượng cao cho cà phê robusta. Việt Nam đã khai thác mặt hàng cao cấp này trong nhiều năm qua và hiện muốn tiến tới dòng sản phẩm cao nhất, đó là cà phê đặc sản. 

Thực tế, các nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới cũng đã hình thành khai thác phân khúc thị trường cao cấp này và đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu như Brazil, Indonesia hay Hiệp hội Cà phê đặc sản châu Phi. Tuy nhiên, Việt Nam đang yếu ở khâu thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

DN Đắk Lắk xuất khẩu lô cà phê lớn sang Anh

Mới đây, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk, thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk quản lý) đã xuất khẩu thành công một container cà phê đặc sản sang Anh.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho hay, đơn vị xuất khẩu thành công lô cà phê đặc sản gần 20 tấn sang Anh. Loại cà phê đặc sản này được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị hơn các chủng loại thông thường, hơn 5 USD/kg. Đối tác ở Anh sau một thời gian nắm bắt, tìm hiểu sản phẩm này đã chấp nhận đặt hàng với số lượng lớn. Tổng giá trị lô hàng lần này vào khoảng 100.000 USD, dự kiến đầu tháng 9 đến nước Anh.

Hiện, chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì giữa việc vừa ổn định sản xuất vừa chống dịch hiệu quả, cố gắng xuất khẩu hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với đối tác.

Cần nâng cấp chất lượng

Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Căn cứ vào địa hình, khí hậu, chất đất, cà phê đặc sản sẽ tập trung phát triển ở những vùng phù hợp với cà phê chè (Arabica) và cà phê vối (Robusta). Cụ thể: cà phê chè đặc sản sẽ trồng ở một số vùng thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng, với tổng diện tích đến năm 2030 là 11.620 ha; cà phê vối đặc sản sẽ được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần diện tích ở Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng diện tích là 7.340 ha.

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.

Cùng với việc phát triển sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ bổ sung và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Để đạt được kế hoạch đề ra, Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất và đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…).

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ yêu cầu phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản; xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản…

Vân Nhi - Kinhtenongthon