banner

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần

Phân bón đã gia nhập danh sách các mặt hàng ‘sốt giá’ trong năm nay như năng lượng, gia súc, cải dầu, thịt cừu… với những kỷ lục cao mới liên tục được xác lập do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, giá khí tự nhiên, than đá, dầu mỏ, cước phí vận tải… tăng cao.

Giá phân bón tiếp tục tăng trên thị trường toàn cầu, với tốc độ tăng đến 5 - 10% mỗi tuần trong thời gian gần đây.

 

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần - Ảnh 1.

Giá phân bón các loại trên thế giới đều chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

 

Trong vòng một tháng qua, phân urea (urê) có tốc độ tăng giá nhanh nhất, trên thị trường Mỹ tăng khoảng 30%, ở thời điểm tuần thứ 3 của tháng 30/2021 đạt trung bình 735 USD/tấn. Việc giá khí đốt tăng mạnh và chính sách kiểm soát xuất khẩu phân urea của Trung Quốc là nguyên nhân chính đẩy giá mặt hàng này gần đây tăng vọt.

 

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần - Ảnh 2.

Giá urea cao kỷ lục nhiều năm.

Giá các loại phân bón khác cũng nối tiếp đà tăng, với phân anhydrous tăng 22% lên 940 USD/tấn, là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2021 vượt ngưỡng 900 USD/tấn; phân UAN2 tăng 18% so với tháng trước lên trung bình 451 USD/tấn; UAN32 tăng ít hơn nhưng cũng thêm khoảng 13% trong vòng một tháng qua, lên 492 USD/tấn; potash (kali) tăng 15% lên trung bình 716 USD/tấn; DAP tăng 14% lên 810 USD/tấn (DAP vượt ngưỡng 800 USD/tấn lần đầu tiên kể từ đầu năm 2008); MAP tăng 10% và có giá trung bình là 863 USD USD/tấn.

 

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần - Ảnh 3.

Giá anhydrous tiếp tục tăng mạnh.

 

Trong số các loại khác có mức tăng thấp hơn, 10-34-0 giá tăng hơn 4% trong một tháng qua, DTN tăng 5% trong tháng qua, lên trung bình 659 USD/tấn.

 

So với cùng kỳ năm trước, giá các loại phân bón trên thế giới hiện đều tăng đáng kể. Theo đó, phân 10-34-0 và DTN hiện đắt hơn 45%, MAP cao hơn 81%, DAP đắt hơn 82%, UAN32 cao hơn 97%, urea đắt hơn 105%, UAN28 cao hơn 115%, kali 116% đắt hơn và anhydrous cao hơn 122% so với năm ngoái.

 

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng khiến việc tăng giá phân bón trong nước tăng là điều không tránh khỏi. Sau nhiều đợt tăng, giá phân bón trên thị trường Việt Nam hiện duy trì ở mức rất cao. So với đầu năm 2021, giá phân bón đã tăng 100.000- 400.000 đ/bao. Cụ thể, giá một số loại phân như DAP, urea, phân hột,… đã tăng 50- 80%, hiện giá từ 850.000- 1.200.000 đ/bao (50kg).

Những nguyên nhân thúc đẩy giá phân bón tăng

• Nhu cầu phân bón tăng mạnh, đặc biệt là nitrogen (nitơ), bởi giá ngũ cốc tăng cao và diện tích trồng các loại cây sử dụng nhiều nitơ gia tăng trên khắp thế giới, chẳng hạn như ngô. Nhu cầu từ lĩnh vực công nghiệp cũng tăng mạnh mẽ trong năm 2021 do kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19 và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp tăng.

 

• Các nhà máy bị ngừng hoạt động ngoài kế hoạch đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn trong năm nay, bao gồm sự kiện mùa đông ở miền Nam nước Mỹ hồi tháng 2 quá lạnh đến mức đóng băng và cơn bão Ida gây hư hỏng các cơ sở sản xuất phân bón ở Bờ Vịnh Mỹ hồi tháng 8.

 

• Giá cước vận tải biển và thuê container đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Chỉ số Baltic Dry, chỉ số tham chiếu cho giá vận chuyển các nguyên liệu thô chính bằng đường biển, hiện cao hơn 235% so với cùng thời điểm năm ngoái.

 

• Chi phí đầu vào trong sản xuất phân bón liên tục tăng, bao gồm giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu và giá than ở Trung Quốc. Trong khi chi phí đã ở mức cao trong gần suốt năm 2021, cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn đang tiếp tục gây áp lực lên giá phân bón. Chi phí sản xuất nitrogen thậm chí cao hơn cả giá bán nitrogen trên thị trường đã buộc các nhà máy phải đóng cửa, dẫn đến việc Châu Âu sẽ phải gia tăng nhập khẩu phân bón nhiều hơn so với mọi năm.

 

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần - Ảnh 4.

Giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng vọt.

• Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá than tăng mạnh do thiếu than dùng trong sản xuất điện, khiến tỷ lệ sản xuất của các nhà máy phân bón bị hạn chế, mặc dù giá phân bón cao. Xuất khẩu phân bón từ Trung Quốc cũng bị hạn chế để bình ổn giá và ưu tiên sản xuất lương thực trong nước cũng tác động lên nguồn cung phân bón thế giới. Để giữ giá urea trong nước thấp hơn mức giá chung trên thị trường toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, điều này có thể sẽ làm giảm xuất khẩu hơn nữa trong những tháng tới.

 

Trung Quốc là nhà xuất phosphate lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 4,75 triệu tấn phân bón diammonium phosphate từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay cho các khách hàng như Ấn Độ và Pakistan cũng như 2,93 triệu tấn urea, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.

 

Với những biện pháp quyết liệt của Bắc Kinh, giá phân urea tại Trung Quốc đã hạ nhiệt từ giữa tháng 10, mặc dù giá trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục tăng.

 

Theo đó, giá urea kỳ hạn tương lai trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu trung tuần tháng 10 ở mức 2.970 nhân dân tệ (461,39 USD)/tấn, giảm khoảng 10% so với đầu tháng 10.

 

Trước đó, giá phân urea tại Trung Quốc đã tăng 70% từ đầu năm đến đầu tháng 10, đạt mức cao kỷ lục lịch sử bởi giá than tăng và lo ngại nguồn cung sụt giảm trong bối cảnh thiếu năng lượng buộc các nhà máy phân bón phải hoạt động cầm chừng.

 

Tuy nhiên, giá phân bón ở Trung Quốc giảm ở thời điểm này không phải là dấu hiệu cho thấy thị trường phân bón thế giới sắp hạ nhiệt, bởi chính sách hạn chế xuất khẩu và kiềm chế giá của Trung Quốc có thể khiến nguồn cung phân bón từ Trung Quốc ra thế giới càng thêm hạn hẹp.

 

Giá phân bón tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng 5-10% mỗi tuần - Ảnh 5.

Giá phân urea tại Trung Quốc quay đầu giảm từ giữa tháng 10.

Về triển vọng thị trường phân bón trong nước và quốc tế, với thực tế là cuộc khủng hoảng năng lượng chưa đến hồi kết, cộng hưởng cùng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến cước vận chuyển xác lập mặt bằng giá mới và có nguy cơ còn tăng thêm nữa do những nút thắt logistics, giá năng lượng cao, đại dịch Covid-19, lạm phát tăng trên toàn cầu… thị trường phân bón dự báo sẽ còn tiếp tục trong tình trạng thắt chặt nguồn cung, giá dự báo sẽ vẫn neo cao.

 

Việc vận chuyển dự kiến sẽ chịu thêm áp lực khi thị trường bước vào mùa thu và mùa đông, sự tắc nghẽn tại các cảng biển có thể sẽ làm ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trong vài năm tới, trong đó việc giao thương phân bón không phải là ngoại lệ.

 

Bên cạnh đó, tình trạng các nhà máy sản xuất phân bón buộc phải đóng cửa ở thời điểm giá năng lượng cao sẽ có tác động có độ trễ tới nguồn cung phân bón. Do đó, trong những tháng cuối năm và thậm chí cả năm 2022, thế giới có thể sẽ bước vào một "cuộc khủng hoảng giá phân bón", không loại trừ khả năng cao là đẩy giá mặt hàng lên những mốc kỷ lục mới.

 

Tham khảo: DTN, Mecardo, Reuters

 

Vũ Ngọc Diệp - CafeF, theo Nhịp sống kinh tế.