banner

Giá phân bón cao mới thấy tầm quan trọng của xét nghiệm đất

Nhiều người lầm tưởng cố cắt giảm chi phí đầu vào bằng cách bỏ qua việc kiểm tra, xét nghiệm đất trước mùa vụ, còn tốn kém hơn khi giá phân bón đang tăng cao.

Kiểm tra, xét nghiệm đất trước mỗi mùa vụ để bón phân cân đối cho cây trồng có thể giảm chi phí đầu vào cho nông dân. Ảnh: APC.

Kiểm tra, xét nghiệm đất trước mỗi mùa vụ để bón phân cân đối cho cây trồng có thể giảm chi phí đầu vào cho nông dân. Ảnh: APC.

Việc kiểm tra, xét nghiệm đất hàng năm để biết được lượng chất dinh dưỡng mà đất cần thay đổi, tùy thuộc vào các yếu tố mùa vụ như loại cây trồng và lượng mưa vào mùa sinh trưởng luôn được các nhà khoa học đất đánh giá cao. Đặc biệt là trong bối cảnh giá các loại phân bón, cũng như vật tư đầu vào sản xuất đang thi nhau tăng giá mạnh như hiện nay thì việc bón phân cân bằng là giải pháp hoàn hảo.

Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo, việc nông dân cố gắng tiết giảm chi phí bằng cách bỏ qua khâu kiểm tra, xét nghiệm đất đất vào mùa thu này có thể dẫn đến nguy cơ sẽ tốn kém hơn cho các nguyên liệu đầu vào mùa vụ năm 2022 tới. Có một thực tế là nhiều người vẫn lầm tưởng, bón càng nhiều phân càng tốt. Tuy nhiên thực tế cây trồng chỉ có thể hấp thụ một lượng phân bón nhất định, một khi lượng này vượt quá khả năng đồng hóa của đất, chúng sẽ theo dòng chảy mặt ra các ao, hồ lân cận.

Brad Brummond, Bộ môn Khuyến nông của Đại học bang North Dakota ở hạt Walsh cho biết: “Nếu trong vòng 30 năm qua bạn đã từng kiểm tra đất, thì chắc chắn đó là do chi phí đầu vào phân bón rất cao”.

Theo ông Brummond, nếu bón quá ít phân bón có thể làm cho cây trồng không đạt được tiềm năng năng suất đầy đủ. Trong khi đó, những người nông dân cứ cố bón thêm lượng phân vào ruộng của họ cao hơn mức cần thiết mà không kiểm tra chất đất thì có nguy cơ không chỉ lãng phí tiền bạc, mà còn gây hủy hoại, ô nhiễm môi trường, một khi nó thẩm thấu và chảy từ đồng ruộng vào các nguồn nước.

Ông Brummond cho biết: “Thực trạng bón nạp dư thừa phốt pho, nitơ là có thật, đồng thời lưu ý rằng sự phát triển của tảo lam do hiện tượng phú dưỡng chất hữu cơ ở các khu vực hồ đập và sông suối gần đó là bằng chứng cho điều này”.

Ví dụ trong năm nay, lượng nitơ trong các cánh đồng có thể sẽ được nông dân bón nhiều hơn vì thời vụ sinh trưởng của cây trồng năm 2021 trong điều kiện thời tiết nóng và khô, nên cây trồng không thể hấp thụ và sử dụng hết các chất dinh dưỡng nhiều như những mùa vụ thông thường.

Randy Mehlhoff, chuyên gia khuyến nông cho biết ở phía bắc hạt Walsh, các cuộc thử nghiệm mẫu đất được tiến hành cách đây một năm, vào mùa thu năm 2020 đã cho thấy lượng nitơ tồn dư kỷ lục. Chính vì vậy, ông cho biết vào mùa xuân này các cánh đồng trong khu vực nên bón ít nitơ hơn từ 1/4 đến 1/2 vì trong đất vẫn còn tồn dư rất cao.

Ông Mehlhoff dự đoán, năm tới sẽ là một năm hạn hán và sản lượng giảm. Nếu dự đoán của ông Mehlhoff là đúng, thì việc điều chỉnh lượng nitơ bón cho cây trồng vào mùa xuân năm 2022, đồng nghĩa với việc sẽ giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí đầu vào.

Hiện tượng phú dưỡng hay còn gọi là tảo nở hoa là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm hệ sinh thái ven bờ và dưới nước, đe dọa hủy hoại nguồn nước ngọt tự nhiên và nguồn lợi thủy sản. Ảnh: PBS.

Hiện tượng phú dưỡng hay còn gọi là tảo nở hoa là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm hệ sinh thái ven bờ và dưới nước, đe dọa hủy hoại nguồn nước ngọt tự nhiên và nguồn lợi thủy sản. Ảnh: PBS.

Tình trạng bón dư thừa phân bón gây ra hiện tượng phú dưỡng hay phì dưỡng. Đây là một phản ứng của hệ sinh thái khi có quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat và phosphat từ các loại phân bón hoặc nước cống rãnh bị thải vào môi trường nước.

Thông thường, khi hàm lượng nitơ (N) lớn hơn 500 µg/l và phosphor (P) lớn hơn 20 µg/l trong nước được xem là phú dưỡng. Bằng chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất là các nguồn nước bị "tảo nở hoa" hoặc gia tăng đột biến các thực vật phù du khi gia tăng lượng chất dinh dưỡng trong nước.

Hiện tượng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt oxy hòa tan trong nước, làm giảm số lượng nguồn lợi thủy sản và các loài động vật khác cũng như ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Thông thường, quá trình phú dưỡng thường được diễn ra trong thời gian dài, ngắn tùy theo tổng lượng ô nhiễm được đưa vào các sông ngòi, ao hồ. Đồng thời trong quá trình này, lượng bùn trong nước thải tăng lên làm thu hẹp dần lòng ao hồ, sông suối.