banner

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay "tụt dốc", cách phòng trừ loài sâu gặm vỏ cà phê?

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay "tụt dốc" sau khi chạm mốc 42.000 đồng/kg. Sâu gặm vỏ cà phê có hại thế nào, cách phòng trừ ra sao?

Giá cà phê nhân Đắk Lắk "tụt dốc", nông dân vui mừng vì chốt được giá tốt

Sau khi chạm mốc 42.00 đồng/kg, giá cà phê nhân tại Đắk Lắk đã liên tiếp có hai lần giảm trong tuần. Tổng mức giảm giá của hai lần mất 600 đồng/kg. Sáng 20/2, giá cà phê nhân trung bình tại Đắk Lắk vẫn giữ nguyên mức 41.400 đồng/kg.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay "tụt dốc", sâu gặm vỏ cà phê có hại thế nào? - Ảnh 1.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay "tụt dốc". Ảnh Duy Hậu.

Tại các tỉnh khác của Tây Nguyên, giá cà phê Robusta cũng không có biến động trong 2 ngày. Hiện mức giá cà phê trung bình tại Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông thấp hơn Đắk Lắk 100 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê Robusta tại Lâm Đồng chỉ còn được mua ở mức 40.800 đồng/kg.

Theo quan sát của chúng tôi, tại thời điểm giá cà phê chạm mốc 42.000 đồng/kg, nhiều nông dân đã kịp bán cà phê ra. Ông Lê Thành Trung (phường Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông) chia sẻ: "Gia đình rất cần tiền nhưng tôi phải cố đợi. Ngày nào tôi cũng ngóng giá cà phê. Rất may là ngay sau khi cà phê tăng lên 42.000 đồng/kg, tôi đã kịp bán ra".

"Em vừa bán được giá 42.000 đồng/kg, vui quá. Từ Tết tới giờ giá cà phê cứ phập phù, em lo quá. Chỉ mong thấy bán mà có lời là bán ngay"- anh Trần Minh Thanh (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) nói với chúng tôi.

Theo một số đại lý, ngay sau khi cà phê chạm mốc 42.000 đồng/kg, lượng cà phê mua vào đã tăng mạnh. "Rất nhiều nông dân đã nhanh tay chốt giá vào thời điểm cà phê tăng lên 42.000 đồng/kg. Đây cũng có thể là lý do khiến hai ngày qua, giá cà phê lại "tụt dốc"- một chủ đại lý thu mua nông sản tại huyện Krông Năng nói với chúng tôi.

Cách phòng trừ loài sâu gặm vỏ cà phê có hại thế nào?

Từ năm 2013, sâu gặm vỏ cà phê bắt đầu xuất hiện ở Tây Nguyên. Loài sâu này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nông dân. Bởi đối với những gia đình không có điều kiện để thường xuyên thăm vườn, loài sâu này có thể phát triển nhanh và gây hại nặng nề cho vườn cà phê.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay "tụt dốc", sâu gặm vỏ cà phê có hại thế nào? - Ảnh 2.

Một nông dân tại TP.Buôn Ma Thuột đục vỏ cây cà phê để diệt trừ sâu gặm vỏ. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Huỳnh Thanh Thích, một cán bộ nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, sâu gặm vỏ phát triển sẽ ăn hết vỏ cây. Việc này nếu kéo dài sẽ làm cho cây cà phê không thể phát triển, cành lá bắt đầu khô héo và chết.

Ở mức độ nhẹ, sâu gặm vỏ sẽ làm năng suất cà phê giảm do cành cà phê không nhận được dưỡng chất. Vì thế, nông dân nên thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện. Khi thấy vỏ cây bên ngoài sần sùi, bong tróc, khi đục vỏ cây ra thấy mùn đen bên trong có nghĩa là bên trong đang có sâu gặm vỏ sinh sống.

Để phòng trừ sâu gặm vỏ, bà con nên thường xuyên thăm vườn. Khi thấy dấu hiệu của sâu gặm vỏ thì lập tức đục vỏ ra để diệt sâu. Sau đó, cạo hết toàn bộ lớp vỏ sần và bôi Booc-đô vào để "vá" vết thương cho cây.

Booc-đô là thuốc gốc vô cơ được tạo thành bằng cách pha Sun-phát đồng và vôi. Thuốc ít độc với người và động vật. Nông dân có thể tự pha chế thuốc này để chữa trị cho cây cà phê.

Tùy theo loại cây trồng, nông dân có thể pha thuốc Booc-đô có nồng độ khác nhau. Thông thường, cứ một ký Sun-phát đồng thì pha chế với 4 ký vôi và 20 lít nước. Để pha chế, bà con lấy 1 ký Sun-phát đồng pha với 10 lít nước sạch, sau đó lọc bỏ hết cặn. Đối với vôi, bà con cũng pha với 10 lít nước rồi lọc hết cặn, sỏi đá. Sau đó, bà con trộn đều hai hỗn hợp này là trộn đều là có thể dùng.

Ngoài ra, nông dân cũng có thể pha thuốc Booc-đô loãng hơn với tỷ lệ 1 ký Sun-phát đồng, một ký vôi và 100 lít nước. Cách pha tương tự như trên, tuy nhiên đối với vôi, nông dân chỉ pha với 20 lít nước, còn Sun-phát đồng thì pha với 80 lít nước rồi pha trộn hai dung dịch lại.

Duy Hậu - Danviet