banner

Giá cà phê trong nước giảm sốc

Áp lực nâng lãi suất USD của Fed khiến USD mạnh lên nhưng Real Brazil yếu đi đã tác động lên các sàn cà phê.

Giá cà phê trong nước giảm sốc

Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2022 ở mức 2.066 USD/tấn sau khi giảm 2,38% (tương đương 50 USD). Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 tại New York đạt mức 220,7 US cent/pound, giảm 2,84% (tương đương 6,45 US cent).

Giá cà phê trong nước giảm mạnh 1.000 đồng/kg

Ngày 26/4, tại tỉnh Lâm Đồng giá cà phê nhân xô dao động quanh mức 39.800 – 39.900 đồng/kg. Tại tỉnh ĐắkLắk giá cà phê nhân xô dao dịch từ 40.400 - 40.500 đồng/kg. Tại Pleiku, Đắk Nông và Kon Tum dao dịch ở mức 40.300 - 40.400 đồng/kg. Như vậy, sau thời gian dài luôn giữ trên mức 40.000 đồng/kg thì hôm nay giá cà phê đã mất mốc này.

Tại cảng khu vực TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.140 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,3%) so với ngày 9/4/2022.

Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, giữa tháng 4/2022, giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng. Tuy nhiên, lo ngại rủi ro vẫn còn cao, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn chỉ phục hồi nhẹ, thậm chí kỳ hạn.

Cà phê Arabica vẫn tiếp tục xu hướng giảm giá do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - UKraine đẩy giá vàng, dầu thô tăng mạnh. Bên cạnh đó, đồng Real Brazil suy yếu trở lại, tạo tâm lý đẩy mạnh bán ra của người trồng cà phê, góp phần tác động tiêu cực lên giá cà phê.

Lo ngại lạm phát vượt mức và rủi ro tăng cao khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây. Các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tại các phiên họp chính sách sắp tới.

Khiến áp lực bán cà phê của niên vụ 2021-22 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục tăng, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, khẩu cà phê trong tháng 3/2022 đạt trên 211 nghìn tấn, trị giá 474,44 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 24,4% về lượng và tăng 52% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng 3 đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021.

Xuất khẩu cà phê tăng trưởng nhờ tình hình vận tải thông thoáng trở lại

Tính chung quý 1/2022, xuất khẩu cà phê đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê quý 1/2022 đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong thời gian này, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chính tăng so với quý I/2021, ngoại trừ Hoa Kỳ và Nga giảm.

Phân tích những biến động giá cà phê trên hai sàn London và New York, ông Ðỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX cho rằng, đã là sàn giao dịch thì nay giảm, mai tăng là chuyện bình thường, còn đối với những nhà đầu cơ tài chính các yếu tố như cuộc chiến Nga – Ukraine, đồng USD mạnh lên, đồng Real Brazil suy yếu … chỉ là cái cớ để họ tác động lên sàn để ‘ăn’ chênh lệch, là giá buôn bán trên sàn chứ không phải giá bán thật ngoài thị trường.

Giá cà phê trên 2 sàn đang rớt chỉ là rớt giá kỹ thuật, vả lại cũng chỉ mới biến động nên chưa thể nói lên được điều gì, trong trường hợp rớt liên tục một tuần, một tháng khi đó có vấn đề.

"Trước đây tâm lý người nông dân dễ bị dao động trước những thông tin giá cà phê trên sàn tăng, giảm và tác động lên giá cà phê trong nước, vì họ tưởng là giá thật nên vội bán ra. Bây giờ giá trên sàn lên hay xuống không còn ảnh hưởng đến bà con nữa, hiện cũng cuối vụ, sản lượng cà phê không còn nhiều nên bà con không muốn bán ra và đang chốt giá 42.000 đồng/kg, ai mua thì bán không mua thì để đó.

Xuất khẩu cà phê trong tháng 3 và quý 1/2022 tăng trưởng ba con số là do doanh nghiệp tìm được tàu để vận chuyển hàng hóa hóa xuất khẩu. Trên thị trường vẫn có nhu cầu nhưng do tình hình vận chuyển bị ách tắc nên xuất khẩu giảm, bây giờ thông thoáng thì đi nhanh, xuất khẩu lại tăng cao bù cho thời gian trước. Trong ba tháng đầu năm nay lượng cà phê xuất khẩu của INTIMEX tăng 115% so cùng kỳ năm trước. Trong quý 2, nếu vấn đề tàu bè vẫn ổn thì xuất khẩu cà phê vẫn sẽ có tăng trưởng tốt", Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc INTIMEX nhận định.

Nguyễn Huyền - BizLive