banner

Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thực tế cho thấy, các HTX khi tham gia vào sản xuất theo hướng hữu cơ đã có những bước phát triển vượt bậc, nâng cao được giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn khiêm tốn, chưa khai thác được tiềm năng do gặp nhiều trở ngại.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, HTX được thành lập năm 2016. Từ khi mới đi vào hoạt động, HTX đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Hàng năm HTX đều cử cán bộ, thành viên đi tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, chế biến chè, tập huấn về sở hữu trí tuệ; hướng dẫn các thành viên cách ghi chép, chăm sóc, chế biến theo quy trình VietGAP.

Hiện nay, diện tích chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đạt 10ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 130 tấn/năm. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu chè búp tươi cho các tổ hợp tác, HTX liên kết trên địa bàn xã Tân Cương, đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn VietGAP vào khoảng trên 700 tấn/năm.

Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) cùng Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh (thứ 2 từ phải) kiểm tra mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Đặng Thưởng

"Không chỉ các dự án khuyến nông Trung ương mà các dự án khuyến nông địa phương đều cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho năng suất cao hơn, đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp sinh thái, bền vững".

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG

"Nhờ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, sản phẩm của HTX ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ với khách hàng cả nước" - bà Hảo nói, và cho biết từ 7 thành viên ban đầu, vốn điều lệ 300 triệu đồng thì hiện nay thành viên của HTX đã nâng lên 30, vốn điều lệ 3 tỷ đồng.

Nhờ chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã có thành công nhất định với các sản phẩm ngô nếp, lúa, ngô ngọt, rau các loại…

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc HTX chia sẻ, từ năm 2011, nắm bắt được nhu cầu về sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, HTX đã mạnh dạn tìm tòi và đầu tư áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây lúa và một số cây trồng khác. 

HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh, các loại thuốc BVTV sinh học, thảo mộc… 

"Từ năm 2015 đến nay, HTX duy trì 130ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và đã xây dựng thành công thương hiệu gạo an toàn với sản lượng cung ứng ra thị trường 50 tấn gạo/năm. Ngoài ra, HTX xây dựng thành công 6ha sản xuất rau theo hướng VietGAP" - bà Hương chia sẻ.

 

Diện tích còn khiêm tốn

Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp "Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Sở NNPTNT Vĩnh Phúc tổ chức, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp. 

"Muốn nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành, phải xem đó là câu chuyện của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành nông nghiệp. Phải xây dựng được cơ chế chính sách cụ thể, tạo môi trường để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, biến các giải pháp thành chính sách của địa phương" - ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khi doanh nghiệp tham gia sẽ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm hữu cơ vì họ là người đặt hàng cho sản xuất, kết nối sản xuất với nhu cầu thị trường...

Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng cho biết, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã gần như đầy đủ cơ sở pháp lý cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện sản xuất, tiêu thụ và hỗ trợ lĩnh vực sản xuất hữu cơ.

Tuy nhiên, theo ông Mịch, quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại như: người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ. 

Do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ, chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang hữu cơ. Hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, vật tư như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu…) cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có. Danh mục vật tư đầu vào sử dụng trong sản xuất hữu cơ vẫn chưa được ban hành...

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang xây dựng mô hình hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực, cùng với đó là phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn xây dựng các bộ tài liệu tập huấn, cẩm nang để người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn sản xuất.

Bình Minh - Danviet