banner

Ngành nông nghiệp cần chuyển từ đánh đổi sang không đánh đổi

Ngày 30/9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Đánh giá lại quá trình sản xuất nông nghiệp trong những năm qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên Bộ trưởng Hoan cho rằng, nông nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu về mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Theo đó, một số vấn đề còn tồn đọng được ông Hoan nêu ra như: diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Nhìn nhận từ thế giới, tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng tất yếu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh.

Theo Bộ trưởng, xu thế của thế giới hiện nay là con người và thiên nhiên phải có sự gắn bó, liên kết với nhau và trong tương lai, yêu cầu của người dùng về những sản phẩm sinh thái là tất yếu.

“Tăng trưởng xanh bao gồm trong đó là tăng trưởng, là kinh tế, là lợi nhuận và đôi khi phải có sự đánh đổi, cả những chi phí hữu hình và vô hình. Nếu hữu hình có thể đo đếm như vật tự đầu vào, nhân công… thì chi phí vô hình như môi trường, sức khỏe, đa dạng sinh học vẫn chưa thống kê được”.

Do vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp ta cần thay đổi cục diện, chuyển từ đánh đổi sang không đánh đổi, hiện thực hóa thông điệp ”Không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng” của các lãnh đạo Việt Nam và quá trình này cần sự vào cuộc, hành động và chung tay của tất cả các bên.

Cùng với đo, một điểm quan trọng là các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tìm ra phương pháp sản xuất thay thế phù hợp với người nông dân. “Chúng ta phải bắt đầu từ những người nông dân, các HTX, các cộng đồng dân cư, nếu không bắt đầu từ đây, thay đổi từ đây thì không chiến lược nào, kế hoạch nào có thể thành công”, ông Hoan nói.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tìm cách truyền thông, chuyển tải một cách phù hợp với người nông dân để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh và chia sẻ với các đối tác rằng: “Các tổ chức quốc tế cần lưu ý về hợp phần truyền thông trong các dự án tài trợ của mình”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Dalat Hasfarm khẳng định, công ty của ông sẵn sàng cam kết thực hiện phát triển xanh một cách trách nhiệm.

Xây dựng nền nông nghiệp xanh đang là xu hướng trên thế giới

“Những hoạt động này đã được chúng tôi thực hiện từ lâu, dưới những tên gọi khác nhau, từ năm 2014, Hasfarm đã có chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Năm 2015, chúng tôi cho ra đời dòng sản phẩm Biopro, trong đó có nhiều loại nấm có lợi, thu thập, nuôi và thả lại môi trường nhiều loại thiện địch như nhện, ong, cánh cam và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững”, đại diện Dalat Hasfarm cho biết.

Về đóng góp cho kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT, ông Bảo khẳng định, không thể thúc đẩy phát triển xanh với bộ khung cơ chế, chính sách cũ, bên cạnh việc xây dựng các chính sách mới, cần xem xét, điều chỉnh những chính sách cũ đã không còn phù hợp.

“Ví dụ như tiêu chuẩn về thuốc BVTV sinh học, để làm tốt vấn đề này, cần có sự thay đổi về cấp phép cho các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, tránh rườm rà như hiện nay”, ông nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bảo cho rằng, để xây dựng lối sống xanh, các doanh nghiệp quan tâm đến dán nhãn sản phẩm xanh. Đây vừa là định hướng tiêu dùng nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc với nhà sản xuất để phát triển trong xu thế mới. Cùng với đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết phát triển thị trường sản phẩm xanh.

Thanh Xuân - Kinhtenongthon