banner

Để nhà vườn nâng cao hiệu quả kinh tế: Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Mặc dù Chính phủ đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, người nông dân vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Do đó, hiệu quả áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật không cao do  chưa phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, thiếu cán bộ hướng dẫn...

Sự cần thiết

Thực tiễn đã chứng minh, việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. Khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng nhanh, đạt 238,81 tỷ USD, trung bình đạt hơn 39,8 tỷ USD/năm, riêng năm 2022 đạt khoảng 53,22 tỷ USD.

Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong những năm qua. Đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới. Khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Nông dân đã chủ động áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến: chương trình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình GAP...

Trong quá trình phát triển của xã hội, quy mô dân số ngày một tăng đã đặt ra yêu cầu ngày càng tăng của xã hội về số lượng và chất lượng nông sản, về đa dạng sản phẩm của người tiêu dùng, về một nền sản xuất sạch, quan tâm tốt hơn đến sức khỏe người tiêu dùng, về duy trì chất lượng sản phẩm qua công nghệ bảo quản và  yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho nhà vườn ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) cải tạo, chăm sóc vườn ổi.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là xu hướng tất yếu. Sản xuất hàng hóa với những tiêu chí nhất định về sản phẩm, như năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong cạnh tranh..., đòi hỏi phải ứng dụng các công nghệ mới phù hợp. Các công nghệ được ứng dụng còn tạo nên những sản phẩm mới với sự đa dạng theo yêu cầu thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần được cải thiện trong thời gian tới, như: tiến bộ kỹ thuật mới chú trọng đến năng suất, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng. Việc nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế, làm hạn chế việc lựa chọn của người sản xuất. Công tác thông tin tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát với phát triển sản phẩm chủ lực của vùng…

Những khó khăn

Nông nghiệp nước ta phần lớn vẫn là nền nông nghiệp tiểu nông, sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, quy mô của hộ nông dân nhỏ, đất đai manh mún, điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc áp dụng khoa học công nghệ,  nhất là cơ khí hóa quá trình sản xuất.

Ghi nhận thực tế tại một số dự án cải tạo vườn tạp giai đoạn 2019 - 2021 ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… thấy diện tích đất để tham gia dự án của các hộ nông dân thường manh mún, nhỏ lẻ. Trong tổng số 372 hộ tham gia dự án ở 15 xã có 266 hộ có diện tích đất vườn 0,10 - 0,29ha (chiếm 72%); 90 hộ có diện tích đất vườn 0,3 - 0,59 ha  ( chiểm 24%); 16 hộ có diện tích đất vườn 0,6 - 1,00 ha (chiếm 4%).

Ở khu vực miền núi, diện tích đất nông nghiệp không những ít, mà phần lớn là ruộng bậc thang nhỏ hẹp, manh mún, phân tán ở nhiều nơi, hạn chế rất lớn đến việc thực hiện các khâu thâm canh, cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm.

Đất sản xuất bị chia nhỏ cho nhiều hộ quản lý, nên trên một vùng đất cùng  lúc có nhiều loại cây trồng. Mỗi cây trồng yêu cầu một quy trình sản xuất khác nhau, do vậy, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ ở các vùng này gặp rất nhiều khó khăn. Sự đa dạng về cây trồng đòi hỏi cán bộ kỹ thuật làm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phải có kiến thức rộng, hiểu biết sâu về nhiều loại cây để hướng dẫn cho người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, các hộ dân thiếu lao động, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chính trong sản xuất nông nghiệp xưa nay vẫn là người nông dân, những lao động chưa qua đào tạo, kiến thức chuyên môn còn rất hạn chế, trình độ tay nghề không cao cũng như khả năng thích nghi và tiếp cận công nghệ mới còn thấp, điều này dẫn đến đa số lao động nông nghiệp không đủ năng lực làm chủ công nghệ hiện đại, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà vườn và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa có các hợp đồng ràng buộc. Nhà vườn sản xuất ra sản phẩm không có nơi tiêu thụ, không có đơn vị thu mua với số lượng lớn, nông dân phải tự tìm nơi tiêu thụ với số lượng nhỏ lẻ, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị ứ thừa, hiệu quả kinh tế thấp cũng là rào cản, hạn chế tiếp nhận công nghệ mới.

Qua đó, có thể thấy, những yếu tố trên đã có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và nông thôn, nếu không được chú ý sẽ khó có thể chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

10 Giải pháp

Để góp phần giảm thiểu khó khăn, nâng cao hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nhà vườn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần lựa chọn tiến bộ kỹ thuật phù hợp điều kiện địa phương, phù hợp với trình độ và khả năng tiếp nhận của cơ sở. Không nên đưa công nghệ cao vào vùng có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tiếp nhận công nghệ còn thấp.

Thứ hai, để chuyển giao thành công  tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nông thôn, đòi hỏi người cán bộ chuyển giao phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm.

Thứ ba, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cần kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật và đào tạo nông dân, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cho nông dân.

Thứ tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có sự liên kết sản xuất, hình thành các tổ nhóm, hợp tác xã chuyên về từng nhóm cây trồng như “Hợp tác xã sản xuất rau an toàn”, “Hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có múi theo VietGAP”…

Thứ năm, cần có sự phối hợp trong các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng bền vững, toàn diện.

Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất dưới các hình thức đa dạng như: Phổ biến kinh nghiệm của những người sản xuất giỏi ở địa phương; các tổ chức đoàn thể ở nông thôn (Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Phụ nữ...) lồng ghép hoạt động với việc phổ biến, tuyên truyền khoa học kỹ thuật có khả năng phát triển kinh tế ở địa phương.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu…

Thứ tám, cần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ chín, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước để lựa chọn mô hình khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Thứ mười, khi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cần tập trung giải quyết tốt mối quan hệ trong phát triển giữa sản xuất nhỏ và sản xuất lớn; giữa sản xuất tập trung và sản xuất phân tán; giữa sản xuất tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa, hỗ trợ công nghiệp chế biến nông sản và hướng tới mục tiêu giảm thiểu sự thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế biến.

TS. Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Dự án Hội Làm vườn Việt Nam (nguồn: Kinhtenongthon)