banner

Ðẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất

Ðể giảm bớt tác động xấu cho cây trồng và môi trường, ngành nông nghiệp đang thực hiện lộ trình từng bước loại bỏ hóa chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng. Ðồng thời, tăng dần tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn với con người và môi trường lên 30% vào năm 2021.

Ðẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất

Nông dân xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông (Ðồng Tháp) phun thuốc trừ sâu trên lúa. Ảnh: TRỌNG TRUNG

Giảm dần hóa chất độc hại

Từ năm 2015 đến nay, qua rà soát, Cục BVTV đã loại bỏ 16 hoạt chất ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Ðây là những loại chất có bằng chứng độc hại cho người sử dụng, có khả năng gây ung thư, dị tật, thần kinh, quái thai… Hiện, tất cả những loại thuốc có độ độc thuộc nhóm I, nhóm II không còn được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Tiếp đến, các loại hoạt chất có độ độc thuộc nhóm III, nhóm IV cũng không được phép sử dụng trong sản xuất rau hoặc chè. Theo lộ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đến năm 2021 sẽ giảm 30% tên thuốc thương phẩm khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Ðồng thời, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học lên 30%.

Thuốc BVTV sinh học là sản phẩm có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật. Cục trưởng BVTV Hoàng Trung cho biết, thuốc BVTV sinh học không để lại dư lượng trong nông sản, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng. Ðồng thời, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn. Thuốc BVTV sinh học không diệt trừ tất cả sâu hại hoặc mầm bệnh mà chỉ là làm giảm áp lực của sâu bệnh xuống dưới ngưỡng gây hại, không tạo tính kháng. Do vậy, sẽ không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, hiện nước ta có hơn 50 loại cây với thành phần hóa dược có thể khai thác sử dụng làm thuốc thảo mộc trừ dịch hại, trong đó có nhiều loài cây có độc tính cao, dễ trồng và khai thác, triển vọng nhất là các cây dây mật, cây thanh hao hoa vàng, cây củ đậu, cây ruốc cá, cây trẩu, cây sở... Ðây là lợi thế quan trọng giúp phát triển các thuốc BVTV sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Quyền Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 1.400 sản phẩm thuốc BVTV sinh học đang được đăng ký và thương mại hóa. Giá trị thuốc BVTV sinh học tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2011, giá trị thuốc BVTV sinh học toàn cầu chỉ đạt doanh số 1,3 tỷ USD thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên mức 3,2 tỷ USD. Nhận thức rõ vai trò của thuốc BVTV sinh học, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta đã quan tâm nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Việc nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTV sinh học đã được các doanh nghiệp, cơ quan khoa học đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2000 đến nay, do nhu cầu sử dụng tăng cao, số lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký tại Việt Nam tăng khá nhanh.

Theo Cục BVTV, hiện nay số lượng thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV của Việt Nam có 236 hoạt chất và 745 tên thương phẩm, bao gồm: thuốc có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật như Bacillus thuringiensis; Trichoderma sp…; thuốc có thành phần hữu hiệu là chất có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh vật như abamectin, pyrethrins, spinosad, validamycin, gibberellic acid…; thuốc thảo mộc hoặc chiết xuất từ thảo mộc như tinh dầu quế, dịch chiết từ cây Lychnis viscaria, Azadirachtin… Trong đó các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin, Azadirachtin, Bacillus thuringiensis, Trichoderma sp là những loại thuốc sinh học được sử dụng nhiều và hiệu quả nhất. Hằng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam trung bình khoảng 10 nghìn tấn, chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc nhập khẩu, trong đó, nhiều nhất là thuốc BVTV chứa hoạt chất Abamectin khoảng 4.000 tấn (35,5% tổng lượng thuốc sinh học nhập khẩu). Các loại thuốc có thành phần hữu hiệu là các vi sinh vật hầu hết được sản xuất trong nước, chủ yếu là do các viện nghiên cứu, trường đại học và một số công ty chuyên kinh doanh các thuốc sinh học sản xuất.

Tạo điều kiện để phát triển thuốc BVTV sinh học

Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV, mặc dù số lượng các loại thuốc BVTV sinh học tăng nhanh trong những năm qua, nhưng phần lớn lượng thuốc BVTV sinh học phải nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… do sản xuất trong nước bộc lộ nhiều hạn chế. Cục BVTV thừa nhận, việc đánh giá hiệu lực của thuốc BVTV sinh học chưa đáp ứng được với thực tế công dụng của thuốc. Mặc dù các sản phẩm thuốc BVTV sinh học có đặc tính kỹ thuật cao nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng loại thuốc sinh học. Ðiều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thuốc BVTV sinh học bảo quản khó, phần lớn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Giá bán sản phẩm còn cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm hóa học khác. Trong khi đó, Nhà nước chưa hỗ trợ về vốn, đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc BVTV sinh học. Quy trình đóng gói đối với thuốc nhập khẩu có khả năng lẫn tạp, chưa rõ ràng, nhất là hỗn hợp giữa các loại với nhau: vi khuẩn và vi-rút. Nước ta vẫn chưa có quy trình tách chiết, lên men hiện đại và sản xuất ổn định, do đó chất lượng sản phẩm thuốc BVTV sinh học thường không ổn định, độc tố thường bị giảm sau một số lần sản xuất. Sản xuất trong nước chủ yếu quy mô nhỏ, khối lượng ít…

TS Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ðịnh Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, để đẩy mạnh sản xuất thuốc BVTV sinh học, cơ quan chức năng cần thống kê, tập hợp tất cả các công trình nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu công lập cũng như tư nhân để từ đó hình thành cơ sở dữ liệu, thành tựu về ứng dụng các biện pháp sinh học trong bảo vệ cây trồng. Trên cơ sở đó, cân nhắc và đưa vào ứng dụng các công trình phù hợp thực tế. Ðồng thời, phải tìm hiểu kỹ thông tin và nhập khẩu các chế phẩm sinh học tiên tiến nhất. Cùng với đó, tiến hành đào tạo, nâng cao kiến thức và tay nghề, chuyển giao khoa học cho nông dân. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để người dân nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả thuốc BVTV sinh học vào sản xuất.

Bộ NN và PTNT nên có chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa trong việc đăng ký và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Mọi ưu tiên phải được thể hiện bằng quy định trong các văn bản pháp luật chứ không nêu chung chung. Mặc dù thủ tục đăng ký thuốc BVTV tuy có dễ và đơn giản hơn đăng ký thuốc BVTV hóa học nhưng vẫn còn một vài quy định xét duyệt phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các đơn vị nghiên cứu. Do vậy, cần loại bớt các quy định rắc rối, không thật sự cần thiết. Ðồng thời, cần có chính sách ưu đãi về việc cho thuê đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc BVTV sinh học.

Theo Cục BVTV, các hồ sơ đăng ký khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học hiện nay khá phong phú, mục tiêu tăng tên thương phẩm lên 30% có thể đạt được vào năm 2021. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải chú ý đến sự chuyển biến trong thực tế sản xuất. Có nghĩa là sản phẩm làm ra phải được người dân đón nhận, sử dụng đều đặn, gia tăng mỗi ngày. Muốn như vậy, các sản phẩm thuốc BVTV sinh học phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của sản xuất, nhất là cần có sự hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp phân phối sản phẩm nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" trong sử dụng thuốc BVTV

Ðể hướng tới một nền nông nghiệp sạch, trong quá trình sản xuất người dân cần ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ðồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Cùng với đó, các địa phương phải tích cực triển khai nhân rộng các mô hình phòng trừ dịch hại theo hướng thân thiện với môi trường, như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI). Tập trung vào các biện pháp phòng trừ thủ công, sử dụng các loại bẫy, bả, bẫy pheromon và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các biện pháp sinh học…

HOÀNG TRUNG Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT)

Giảm giá bán thuốc BVTV sinh học

Hiện giá bán các loại thuốc BVTV sinh học khá cao, vì thế chưa được người dân ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền tích cực, Nhà nước nên có chính sách trợ giá, các doanh nghiệp phải tính toán hợp lý các yếu tố đầu vào, cân nhắc giảm giá bán của sản phẩm. Cùng với đó, phải đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dòng thuốc BVTV sinh học trị được cả những bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn hay nấm.

NGUYỄN HỮU HƯNG Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (tỉnh Hưng Yên)

Minh Huệ - Nhandan

Kỹ thuật nông nghiệp

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

Chủ nhật, 22-10-2023 | 05:25:15

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

'2 giảm, 3 tăng' gồm: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Diện tích cây dâu tằm của huyện...

Đọc Tiếp

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Chủ nhật, 24-09-2023 | 04:56:57

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Để đảm bảo cây mít Thái phát triển mạnh mẽ và mang lại năng suất cao, việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách là vô cùng...

Đọc Tiếp

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Thứ 6, 15-09-2023 | 04:24:40

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Hoa cẩm chướng là loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và màu sắc đẹp mắt. Chính vì thế mà loài hoa này được trồng nhiều để trang...

Đọc Tiếp

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Thứ 3, 12-09-2023 | 04:38:06

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Trong lần đầu tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration đã trao giải cho sản phẩm có khả năng ức chế bệnh bạc lá – một...

Đọc Tiếp

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Thứ 2, 21-08-2023 | 05:14:25

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội...

Đọc Tiếp

Liên Kết Websites



Thống kê

Trong ngày
Trong tháng
Lượt truy cập
408
13090
9784800
Your IP: 3.145.23.123