banner

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế

Để có cái nhìn toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19, Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "NHÌN LẠI CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VƯỢT KHÓ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19".

TRỰC TIẾP: Ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19: Tất cả xoay quanh chữ "An" - Ảnh 1.

Ảnh: DTPT

Dịch Covid-19 đã để lại những tác động vô cùng to lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Nhưng vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, ngành nông nghiệp vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Chỉ tính riêng trong quý III/2021, khi dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 1,04%, trong khi GDP âm 0,67%.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã khẳng định: Nông nghiệp đã thể hiện vai trò của nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

 Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là trụ đỡ quan trọng cho nên kinh tế với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

TRỰC TIẾP: Ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19: Tất cả xoay quanh chữ "An" - Ảnh 2.

Các chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến.

Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế

9 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới, đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.

Trong khi đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn ngành, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của ngành Nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III năm 2020.

Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành Nông nghiệp đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).

Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

TRỰC TIẾP: Ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19: Tất cả xoay quanh chữ "An" - Ảnh 3.

Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng vừa qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ.

Tổ công tác 970 đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cúa Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường. Cụ thể, kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch đã được Trung Quốc cấp phép qua cửa khẩu Kim Thành, Vân Nam - Hà Khẩu, Lào Cai; thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.

Thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc và các nước trong khối ASEAN…; Hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản (đặc biệt: Vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc….

Ngành chăn nuôi: Tự tin tái đàn, đảm bảo nông sản phục vụ Tết Nguyên đán

Tham dự buổi toạ đàm hôm nay có:

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT)

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam

Đại diện các cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, ngành chăn nuôi đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp. Nhưng nhìn lại trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá: Giống như nhiều ngành nghề khác, những năm gần đây ngành chăn nuôi chịu rất nhiều thách thức lớn. Sau trận bão giá năm 2017, dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, đặc biệt 2 năm nay là dịch covid 19 diễn ra toàn thế giới… khiến chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi bị đứt gãy hàng loạt, đầu vào là thức ăn tăng cao, giá sản phẩm giảm...

Như chúng ta đã biết, thức ăn sử dụng trong ngành chăn nuôi (TĂCN) của chúng ta phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chiếm tới 90% từ nước ngoài nên khi các nguồn nguyên liệu tăng giá từ 16-36%, ngành chăn nuôi ngay lập tức trở nên lao đao bởi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

TRỰC TIẾP: Ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19: Tất cả xoay quanh chữ "An" - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Đặc biệt, thời gian 19 tỉnh Đông và Tây Nam Bộ giãn cách xã hội XH là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với ngành chăn nuôi, rồi cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM thực hiện giãn cách XH thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Bởi các nhà hàng, quán ăn, chợ đầu mối cơ bản đóng cửa nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm tới 30-50%, điều này khiến giá các sản phẩm chăn nuôi xuống rất thấp.

Đáng mừng là trước những thách thức đó thì ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển từ 4-6%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu. Năm 2021, ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; 1,2 triệu tấn sữa… nếu dịch covid cơ bản kiểm soát được thì ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ lương thực cho nhu cầu trong nước. Hiện tại, dù xuất khẩu sụt giảm, giá trị xuất khẩu không cao nhưng hiện tại chúng ta vẫn đang duy trì được, đây cũng là sự cố gắng rất lớn của ngành chăn nuôi trong điều kiện khó khăn này.

Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 26 về khôi phục lại sản xuất, tăng cường lưu thông… đã giúp ngành chăn nuôi từng bước được vực dậy. Người chăn nuôi đã tự tin hơn khi tái đàn, bước đầu đảm bảo tốt các nhu cầu thực phẩm trong nước, đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19: Tất cả xoay quanh chữ "An"

Để dành một từ nói về ngành nông nghiệp trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 vừa qua thì chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ: Đó là từ "An".

Cụ thể, đó là an toàn quốc gia về mặt năng lượng, an tâm về mặt an ninh lương thực và an lành nông nghiệp, nông dân, nông dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nông thôn là điểm tựa vững chắc cho những người hành hương từ các vùng dịch trở về.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 6.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.

Đánh giá về kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến chi phí sản xuất tăng, lưu thông nông sản bị tắc nghẽn và những sáng kiến của Bộ trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: 

Dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức (nguồn nhân lực, thị trường, cước phí vận tải... tăng mạnh), nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74%, đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD

Những con số đó đủ nói lên tất cả. Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế. Bộ NN&PTNT đã“nhập cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, theo tôi ngành nông nghiệp vẫn chưa có bền vững. Quý 4 năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện 4 khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ, dịch Covid di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Về xuất khẩu thuỷ sản thẻ vàng chưa được gỡ bỏ, 556 tàu thuyền vi phạm, 444 lao động. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng lên rất nhiều. Ngành mật ong chiếm đứng trước nguy cơ Mỹ điều tra chống phá giá.

Từ các vấn đề nêu trên, tôi thấy cỗ xe tăng trưởng của ngành nông nghiệp gồm 3 bánh xe chính là: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Tuy nhiên 3 bánh xe này đang thiếu hơi, đặc biệt là thiếu hơi trong đầu tư sẽ chậm lại.

Nhìn lại ngành nông nghiệp và Bộ trưởng có 4 sáng kiến. Đó là mở rộng việc tiêu thụ nông sản trên sàn điện tử đã cho hiệu quả ngay về mặt kinh tế, được về lượng, về giá và được lòng dân.

Thứ 2 đó là các Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970), Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Thứ 3, combo nông sản 10kg của Bộ đã gợi mở hình thức kinh doanh mới.

Thứ 4: Ngày 31/8 kết nối với 63 tỉnh thành và hơn 200 doanh nghiệp tham gia đã đạt được những kết qủa tích cực. ất cả những cái đó đã dẫn đến sự thay đổi bên trong người nông dân.

5 điểm nhấn quan trọng để nông sản Việt Nam tiếp tục được các thị trường ưa chuộng

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 7.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT).

Một trong những điểm nhấn ấn tượng của ngành nông nghiệp là vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản với kim ngạch 35,5 tỷ USD. Chia sẻ về vấn đề đâu là cơ sở để nông sản Việt Nam tiếp tục được các thị trường ưa chuộng, ông Ngô Xuân Nam -  Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) chia sẻ: Ngành nông nghiệp để có kết quả như vừa rồi có 5 điểm nhấn quan trọng:

Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và HTX.

Thứ hai, ngay trong Bộ NNPTNT, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về mặt tổ chức. Các Thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực để điều hành. Trong đó, nổi bật là thành lập 2 tổ công tác ở miền Nam và Bắc. Kết quả mang lại rất tốt. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạp thành lập Ban chỉ đạo thị trường nông sản. tổ thị trường, tổ xúc tiến…rồi phối hợp với các Cục, vụ liên quan để thúc đẩy thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, chúng ta đã tham gia hội nhập 17 hiệp định thương mại tự do. Đây là mấu chốt đưa nông sản của Việt Nam ra nước ngoài. Gần như các dòng thuế trở về bằng 0.

Thứ tư, Việt Nam nằm trong vùng nghiệt đới, tính đa dang sinh học rất cao, sự đa dạng về các mặt hàng nông sản mà nhiều nước không có được. Ví dụ như trái cây. Cùng với đó là vị trí địa lý cũng cực kỳ quan trọng. Đây là những lợi thế cho nông sản của chúng ta.

Thứ năm, đây là yếu tố quan trọng nhất, đó là chúng ta có lực lượng sản xuất rất lớn - đó là nông dân. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng vào cuộc để tuyên truyền.

Nếu không có kết nối, doanh nghiệp không thể tự bơi

Nói về chỉ đạo điều hành của ngành nông nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho hay:

Khi dịch bệnh xảy ra thì bản thân DN chúng tôi cũng như nhiều DN khác đều rất lo lắng, có những thời điểm chủ trương vẫn cho sản xuất nhưng công nhân ở địa phương chưa được đi làm, vấn đề khó khăn thứ 2 là lưu thông, thứ 3 là quy mô sản xuất giảm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Ví dụ có những lúc xe hàng không lưu thông được thì dù 12h đêm giám đốc Sở NN và phó chủ tịch tỉnh vẫn túc trực để giải quyết triệt để cho doanh nghiệp. Điều này chính là sự động viên, khích lệ rất lớn để những DN như chúng tôi tiếp tục cố gắng duy trì vận hành, duy trì sản xuất.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm duy trì xuất khẩu vải thiều trong làn sóng covid lần thứ 3 bùng phát ở Bắc Giang và Hải Dương đúng thời điểm vụ vải chín rộ, ông Tiến cho hay:

Việc tiếp tục xuất khẩu vải thiều vụ năm 2021 của Ameii được thừa hưởng thành quả từ năm 2020. Từ vụ vải năm ngoái chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước, xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống, chuẩn bị chu đáo cho việc mời các chuyên gia nước bạn sang kiểm định sản phẩm… Còn nhớ thời điểm năm ngoái, dù dịch không quá phức tạp như năm nay nhưng việc đưa đón các chuyên gia Nhật sang cũng gặp nhiều khó khăn. May mắn là vào thời điểm quyết định, chúng tôi đều đã giải quyết được khó khăn nhờ thích ứng tốt với mọi thay đổi của thời dịch.

Năm nay, ngay khi dịch chưa căng thẳng, chúng tôi đã thành lập 1 HTX tập hợp các hộ trồng vải, tham gia ký kết để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định… Và nhờ chuẩn bị kỹ nên chúng tôi đã thu mua đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu trước khi dịch thực sự bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm; dù trên thực tế khi thu mua vải, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp chủ vườn là F0 nhưng nhờ chuẩn bị kỹ và có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên chúng tôi vẫn thu mua được đúng sản lượng DN cần.

Qua thực tế này, tôi khẳng định rằng nếu không có sự kết nối với chính quyền địa phương thì DN không thể vượt qua được, DN không thể tự bơi, không thể một mình xoay xở. Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên ngay cả khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoặc trường hợp các chủ vườn là F0, F1… thì chúng tôi vẫn có đội ngũ thu gom là người địa phương giúp thu gom và vận chuyển hàng đúng thời gian, địa điểm.

Còn một yếu tố nữa tôi muốn nhấn mạnh là ngoài chủ động lên kịch bản, kế hoạch ứng phó thì các DN cũng cần nhạy bén trong việc tìm cơ hội trong gian khó. Đơn cử như thời điểm dịch bệnh xảy ra, rất nhiều DN đã mất mối hàng vì không thể tổ chức tốt việc cung ứng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng riêng chúng tôi lượng đơn hàng tăng gấp đôi. Nói như thế để thấy, nếu chuẩn bị tốt, các DN hoàn toàn có thể vượt bão, vẫn có thể duy trì việc sản xuất kinh doanh, không bị ảnh hưởng quá lớn bởi dịch bệnh.

 Lâu nay nhiều người vẫn khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng đây lại là ngành chịu nhiều tổn thương, rủi ro và đầu tư ít. Nói cách khác, chúng ta đầu tư chưa thỏa đáng cho trụ đỡ.  Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng:

Theo tôi Trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng đang có những tồn tại. Phát triển ngành nông nghiệp chưa gắn với chiến lược vùng. Bên cạnh đó, ngành tài chính ngân hàng có nhiều gợi mở về chính sách vay vốn đầu tư song lại dựng lên hàng rào kỹ thuật cho vay. Nông dân muốn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất thì anh phải có tài sản thế chấp, anh phải chứng minh được ngành hàng mà anh đang kinh doanh sản xuất. Đấy là những yếu tố trực tiếp khiến nông dân khó tiếp cận vốn vay.

 

Ngoài ra, tôi thấy tại các địa phương, tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo các cấp chưa quan tâm đến chiến lược đầu tư cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc buông lơi đầu tư đào tạo nghề cho người nông dân cũng gây nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Dù là giải pháp nào thì chăn nuôi theo chuỗi vẫn là phương án tối ưu

Bổ sung thêm về những bất cập trong chính sách đầu tư cho ngành nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Trọng – Cục Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng:

Trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi vẫn còn dư địa nhất định. Cụ thể, nhược điểm của ngành chăn nuôi đó là phát triển nhưng chưa bền vững vì thiếu chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Ngoài ra, chuỗi liên kết của chuỗi chăn nuôi hay bị đứt đoạn, không chủ động,  cung cầu không ổn định, cung vượt cầu, hoặc cầu vượt cung dẫn đến giá cả sản phẩm không được ổn định. Dẫn đến việc, người chăn nuôi lúc lỗ lúc lãi.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 9.

Chăn nuôi theo chuỗi là giải pháp tối ưu nhất.

Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao nhưng liên kết ngành lại rời rạc. Quan điểm của tôi là: "Muốn sản xuất theo chuỗi thì chăn nuôi nông hộ phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, nhóm đơn vị. Trong chuỗi liên kết đó, doanh nghiệp phải là trung tâm. Muốn các doanh nghiệp tiếp cận được vào chăn nuôi nhỏ thì các hộ chăn nuôi nhỏ phải kết nối với nhau. Để sản xuất tự do thì doanh nghiệp họ cũng không mặn mà vào cuộc".

Đồng thời, người sản xuất nông hộ phải mang tính chất chuyên nghiệp, liên kết với nhau để chủ động từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Lấy ví dụ ngay ở giai đoạn dịch Covid-19, nếu ở những chuỗi vẫn chủ động tiêu thụ sản phẩm thì ở các chăn nuôi nông hộ việc tiêu thụ sản phẩm lại diễn ra khó khăn.

"Kể cả giải pháp nào thì liên kết theo chuỗi vẫn là tối ưu nhất. Ví dụ như một nước Châu Âu, họ chỉ có khoảng 5-10 chuỗi cung cấp cho cả đất nước", ông Trọng nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái khoảng 2,5 - 2,8 triệu con; đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%. Đối với gia cầm, phát triển theo phương thức công nghiệp. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên khoảng 400 - 450 triệu con, trong đó ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp…

Chăn nuôi doanh nghiệp đang có hiệu quả, bởi với giá thịt lợi hơi hiện tại khoảng 48.000-50.0000 thì chăn nuôi khép kín đã có lãi. Trong khi đó với giá thị lợn hơi như trên thì chăn nuôi nông hộ thì vẫn đang lỗ.

Hiện ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào chăn nuôi vì vẫn còn cơ hội để phát triển. Chăn nuôi theo trang trại vẫn duy trì phát triển kể cả khi khó khăn ví dụ như C.P, Hùng Nhơn, Dehus, TH. True Milk, Dabaco,… những "ông lớn" ngành chăn nuôi này vẫn đang mở nhiều dự án ở tất cả các tỉnh để đầu tư theo chuỗi từ giống, giết mổ, chế biến, bán hàng. Tất cả nhằm mục đích nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

Ngoài việc đầu tư vào chuỗi thì doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cũng đang đầu tư vào chế biến sâu.

Nói tóm lại, đẩy mạnh trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ vì chăn nuôi nông hộ vẫn là mưu sinh với phần lớn nông dân tham gia chăn nuôi ở Việt Nam. Tuy nhiên chăn nuôi nông hộ cần phải chuyên nghiệp, sản xuất thành hành hóa, sản phẩm hữu cơ tạo chất lượng.

Không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu, số lượng thì chỉ “ăn xổi"

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT): 

Theo tôi đây cũng không hẳn là rào cản, tôi nghĩ chúng ta cần nhận thức lại cho đúng. Khi tham gia WTO, điều kiện bắt buộc là thành lập hỏi đáp, minh bạch kiểm dịch động, thực vật…và biện pháp SPS mục tiêu để bảo vệ sức khỏe của con người. Các quốc gia khi tham gia WTO đều phải xây dựng SPS. Phân bố sinh vật trên thế giới hoàn toàn khác nhau, các quốc gia phải có trách nhiệm, chính vì vậy phải xây dựng SPS.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của từng thị trường, xuất khẩu nông sản thuận lợi để đạt được mục tiêu đề ra tôi cho rằng, không phải là khó. Nếu khó thì tôi thấy rằng, đầu tiên chúng ta phải thay đổi nhận thức về thị trường. 

Người ta đưa ra quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học, thông qua đánh giá rủi do thì đương nhiên mình phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chúng ta không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu, số lượng thì chỉ “ăn xổi. Có những thị trường người ta thích kích thước nhỏ, vừa phải thì ta phải nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các thị trường khác cũng vậy. Rồi yêu cầu về kỹ thuật, tổ chức lại canh tác để điều chỉnh thì người ta mới mua hàng.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 11.

Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được thị trường đón nhận

Vấn đề nữa cần chú ý, đó là giá trị của sản phẩm. Cùng 1 quả vải bán ở EU giá khác, ở Nhật lại giá khác. Nếu chúng ta nâng tầm nó lên thì giá trị rất cao. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm thì phải chú ý đến vấn đề mối nguy của sản phẩm mình ở những khâu nào? (nguyên liệu đầu vào, chế biến, logistics …). Cuối cùng, cần phối hợp với các bên, phải xích lại gần nhau hơn từ Trung ương, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX, nông dân. Đó là các hệ sinh thái, mỗi hệ sinh thái đều có 1 vai trò nhất định.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu, thực thi các hiệp định tự do. Trên thực tế cho thấy, khi tham gia hội nhập, các nước khác vẫn có những vi phạm, bị cảnh báo, thì điều này là bình thường. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng tối đa không vi phạm. Vấn đề mối nguy vi phạm có thể xuất hiện bất kỳ ở khâu nào đó. Sau mỗi cảnh báo chúng ta rút ra được bài học gì, xuất phát từ đâu? Hiện nay, về vĩ mô Văn phòng SPS được Thủ tướng giao xây đựng dề án nâng cao hiệu quả thực thi SPS. Đây là đề án rất quan trọng, nâng cấp hệ thống SPS của Việt Nam. Chúng tôi đang lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành để trình Thủ tướng sớm nhất.

Về trước mắt, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, chúng tôi cũng đã thay đổi cách làm việc. Trong đó, vấn đề truyền thống được đẩy mạnh để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nắm được. Bên cạnh đó, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, rồi phối hợp với các Bộ, ngành.

Đối với doanh nghiệp làm thương mại, chế biến, tôi cho rằng, cần thay đổi xoay sang việc tập trung vào chất lượng sản phẩm. Nếu chúng ta tập trung vào các mặt hàng chất lượng thì tự người ra sẽ tìm đến mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có bộ phận nghiên cứu về kỹ thuật. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ rất cần điều này. Chúng tôi sẽ bổ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. SPS đã chuẩn bị cho các bài giảng cho các doanh nghiệp, HTX, đối tượng sản xuất trực tiếp bài giảng cũng sẽ khác.

Không có thị trường khó tính, chỉ có bản thân doanh nghiệp dễ dãi

Năm 2021, tham gia kinh doanh, xuất khẩu vải thiều cho nông dân Bắc Giang, Hải Dương đúng thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 bùng phát. Nhưng Công ty CP Ameii Việt Nam vẫn vượt khó, đưa được những chuyến vải thiều sang Nhật Bản, Châu Âu thành công.

Chia sẻ thêm một số kinh nghiệm xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, và cách để Ameii xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam chia sẻ:

 Dưới góc độ DN xuất khẩu, chúng tôi thấy có nhiều câu chuyện mà chắn chắn DN XK nào cũng từng gặp phải, trong đó đặc biệt là việc kiểm soát quá trình sản xuất, đảm bảo ATVSTP, đáp ứng đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật của các thị trường. Tôi xin kể câu chuyện như thế này: gần đây có doanh nghiệp xuất khẩu mía sang châu Âu, nhưng họ sơ chế rất thủ công là dùng nạo cạo vỏ mía bên ngoài trước khi xuất khẩu, họ có đề nghị chúng tôi gia công giúp họ nhưng do các đơn hàng của chúng tôi đều full nên chúng tôi từ chối.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 12.

Mỗi quả sầu riêng xuất sang Nhật, nếu còn sự xuất hiện của loại rệp sẽ phải chịu phí khử khuẩn, giá 8 triệu đồng mỗi con. Ảnh minh họa.

Nhìn từ câu chuyện trên, tôi cho rằng các DN cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất của mình. Kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm. Tại Ameii, tất cả các sản phẩm của chúng tôi trước khi xuất khẩu đểu test (kiểm tra) 5 lần. Không chỉ các sản phẩm xuất khẩu của mình mà ngay khi gia công cho các đơn vị khác thì chúng tôi cũng đều hết sức cẩn trọng, nếu có bất cứ thông tin bất lợi nào trong vấn đề kiểm soát thì chúng tôi sẽ dừng việc xuất hàng để kiểm tra kỹ lại lần cuối.

Nhiều DN hiện chỉ chú trọng việc kiểm soát các sản phẩm của mình mà quên mất rằng nếu chỉ cần của mình tốt và sạch là chưa đủ, bởi chỉ cần một DN yếu kém thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng theo.

Tôi xin kể một câu chuyện khác, đó là việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Nhật Bản, cũng chỉ vì không nắm chắc yêu cầu kỹ thuật của nước bạn trong đó có yêu cầu về việc không xuất hiện rệp hay ấu trùng rệp trên vỏ của quả sầu riêng, họ đã phải trả việc khử trùng với giá 8 triệu VNĐ cho mỗi một con rệp.

Câu chuyện của DN bạn cũng chính là bài học lớn cho chúng tôi, từ đó chúng tôi luôn hết sức cẩn trọng trong việc kiểm soát quy trình sản phẩm trước khi xuất khẩu. Chúng tôi quan điểm: không có thị trường khó tính, chỉ có bản thân mình đang dễ dàng. Chúng tôi tự dựng lên những hàng rào kỹ thuật của DN, phải làm khó mình thì mới đáp ứng được nhu cầu của đối tác.

Khi đã khó với chính mình thì sẽ tạo nên uy tín với khách, năm ngoái có khách hàng đặt 10 công cà rốt của chúng tôi, sang năm nay họ đặt ngay 50 công từ đầu mùa với lý do rất cụ thể: các anh kiểm soát tốt quá trình sản xuất nên chúng tôi tin tưởng đặt số lượng lớn hơn.

Để làm tự làm khó mình, chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều từ các đơn vị, cơ quan ban ngành về quản lý, ban hành các tiêu chí kỹ thuật để nắm rõ quy định của từng thị trường. Ví dụ xuất sầu riêng sang Nhật chúng tôi đáp ứng đầy đủ, nhưng khi xuất sang Hàn Quốc thì có thêm một vài tiêu chuẩn khác nữa, chẳng hạn yêu cầu về E.Coli; thế là chúng tôi lại phải test lại toàn bộ lô hàng và đáp ứng đúng yêu cầu của khách.

Ngoài ra, Ameii còn học hỏi từ các chuyên gia mà chúng tôi thuê về để kiểm định các sản phẩm. Thông qua họ, chúng tôi đã nắm rõ, hiểu kỹ từng thị trường; biết rõ họ cần gì; từ đó có kế hoạch cụ thể khi xuất khẩu sản phẩm sang nước bạn.

Tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh và người nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật

Trong thư chúc mừng Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2021), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm sẽ chuyển đổi nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp "đa giá trị" và "tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh và người nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật".

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Cục Phó Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Ông Nguyễn Văn Trọng - Cục Phó Cục chăn nuôi nhận định: Ngành chăn nuôi phải sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, giá thành hạ.

Ngày 06/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1520/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn 2045.

Theo đó, mục tiêu chung là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3-4%/năm.

Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8-10%; đến năm 2030 đạt từ 6,0-6,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 59-61%, thịt gia cầm từ 29-31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10-11%. Trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.

Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030;

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.

Về định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: Chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó có khoảng 30% được chế biến sâu.

Trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghệ hiện đại tiên tiến cả về giống, cả về công nghệ. Đồng thời, tiếp tục duy trì chăn nuôi nông hộ mang tính truyền thống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn thực phẩm.

Chúng ta cần chú trọng đến tuần hoàn trong nông nghiệp, tức là đầu vào của ngành này thì sẽ là đầu ra của ngành khác. Ngành chăn nuôi phải thích ứng với BĐKH, dịch bệnh, thiên tai và chủ động trong sản xuất thì nganh chăn nuôi mới có thể bền vững, duy trì được chất lượng sản phẩm.

Giữa đại dịch Covid-19: Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế - Ảnh 14.

Nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: Không những tôi mà cả người nông dân cũng tiếp nhận những định hướng của Bộ trưởng NNPTNT khá nồng ấm. Hiện nay chúng ta nói nhiều đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp tuần hoàn… Theo tôi, tích hợp chung những mô hình đó lại đó là nông nghiệp sinh thái bền vững.

Để phát triển một nền sinh thái bền vững, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Sản phẩm nông nghiệp phải bảo đảm được năng suất chất lượng cao, sản phẩm vừa tiết kiệm đầu vào, có trách nhiệm với môi trường và có trách nhiệm xã hội.

Tôi lấy ví dụ, quả dừa ở Bến Tre không chỉ là bán đơn thuần quả dừa mà phải là kinh tế dừa. Để làm được điều đó, chúng ta cần sự kết hợp nhịp nhàng của là cả 3 trục: nhà nước, thị trường, xã hội, Trong đó, kết cấu giai tầng rất quan trọng. Kết cấu giai tầng phải thật chặt chẽ mạnh mẽ thì mới hình thành nông dân chuyên nghiệp. Bởi nếu không có nông dân chuyên nghiệp thì đừng mơ tưởng phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn một cách bền vững.

Nguồn: Danviet

Kỹ thuật nông nghiệp

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

Chủ nhật, 22-10-2023 | 05:25:15

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

'2 giảm, 3 tăng' gồm: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Diện tích cây dâu tằm của huyện...

Đọc Tiếp

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Chủ nhật, 24-09-2023 | 04:56:57

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Để đảm bảo cây mít Thái phát triển mạnh mẽ và mang lại năng suất cao, việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách là vô cùng...

Đọc Tiếp

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Thứ 6, 15-09-2023 | 04:24:40

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Hoa cẩm chướng là loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và màu sắc đẹp mắt. Chính vì thế mà loài hoa này được trồng nhiều để trang...

Đọc Tiếp

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Thứ 3, 12-09-2023 | 04:38:06

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Trong lần đầu tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration đã trao giải cho sản phẩm có khả năng ức chế bệnh bạc lá – một...

Đọc Tiếp

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Thứ 2, 21-08-2023 | 05:14:25

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội...

Đọc Tiếp

Liên Kết Websites



Thống kê

Trong ngày
Trong tháng
Lượt truy cập
391
5509
9777219
Your IP: 3.147.103.202