banner

Tổ chức nông dân để hóa giải thách thức cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư

TS. Đặng Kim Sơn – Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam cũng như tất cả nền kinh tế nông nghiệp khác, cư dân nông thôn là lực lượng xã hội, nông dân là lực lượng lao động đông đảo nhất. Trong mọi thời kỳ của lịch sử, họ cũng đóng góp nhiều công sức, chịu hy sinh, tổn thương nhiều nhất cho cách mạng và kháng chiến. Trong thời đại mới, việc tập hợp nông dân trong một tổ chức do họ làm chủ sẽ cho phép hóa giải được các thách thức, nắm bắt được các cơ hội song hành, thực hiện được các mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp. Ảnh minh hoạ

Vai trò của nông dân trong giai đoạn hiện nay

Vai trò thứ nhất của nông dân là phát triển sản xuất nông nghiệp, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu công cuộc đổi mới từ nông nghiệp; chính Chỉ thị 100 và Khoán 10 mà Việt Nam đã và đi đến thành công như hôm nay. Tốc độ có thể chưa nhanh nhưng hiệu quả và mức độ vững bền thì rất rõ ràng. Việt Nam từng bước chuyển quá trình đổi mới sang công nghiệp, dịch vụ, kinh tế đô thị gắn với sự ổn định xã hội vững chắc, sự đoàn kết của các dân tộc, vùng miền, trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế nổi bật về nông nghiệp. Suốt 35 năm đổi mới, lĩnh vực nông nghiệp là mảng thành công nhất về phát triển kinh tế, xã hội. Đầu tư ít nhất, bảo hộ mậu dịch ít nhất, cơ sở hạ tầng phát triển ít nhất nhưng trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản, đem lại thế và lực mới về mặt kinh tế, tài chính, cân đối thương mại để Việt Nam là một trong số ít quốc gia về trước mục tiêu Thiên niên kỷ. Chính nông dân đã góp phần làm nên kỳ tích này.

Vai trò thứ hai của nông dân là bảo vệ Tổ quốc khi quốc phòng đi kèm an ninh lương thực, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng giành độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thì lực lượng nông dân luôn là lực lượng chủ công, tham gia lực lượng vũ trang, tham gia đóng góp quân lương, của cải để bảo vệ đất nước, xây dựng chính quyền cách mạng. Sự đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và quan hệ “quân với dân như cá với nước” là nhân tố quyết định để sự nghiệp cách mạng và bảo vệ Tổ quốc đi đến thắng lợi.

Ngay trong thời đại của vũ khí hiện đại hôm nay thì “thế trận lòng dân” vẫn là nền tảng quan trọng nhất đảm bảo an ninh chính trị quốc gia. Lực lượng ngày đêm thể hiện chủ quyền lãnh thổ trên biển xa, trực tiếp chốt giữ ngày đêm trên biên giới thường xuyên nhất, kiên trì nhất chính là ngư dân, nông dân. Địa bàn nông thôn chính là địa bàn chiến đấu với mọi thiên tai, địch họa để giành lấy trái tim, khối óc người dân. Nguyên tắc của Nguyễn Trãi đúc kết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” là chân lý muôn đời.

Vai trò thứ ba của nông dân là cung cấp một số lượng lao động khổng lồ cho công nghiệp, dịch vụ và đô thị phát triển khi Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa mạnh. Kèm theo đó là đất đai, khoáng sản và các tài nguyên khác rút ra từ nông thôn. Trong quá trình đó, nông dân tiếp tục “đứng một chân” trong nông nghiệp, đưa lao động ra sản xuất phi nông nghiệp dần dần và mỗi khi xảy ra khủng hoảng lại sẵn sàng rút họ về tạo việc làm và sinh kế tối thiểu, giảm thất nghiệp, tự lo an sinh xã hội.

Trong giai đoạn này vai trò của nông dân không chỉ là nền tảng quan trọng cho phát triển xã hội mà còn là động lực quan trọng cho tăng trưởng, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội ổn định, vững bền. Duy trì tài nguyên rừng biển, bảo vệ môi trường và cảnh quan đất nước, thích ứng uyển chuyển với biến đổi khí hậu và dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế bất thường.

Với ba vai trò hết sức quan trọng vừa nói, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thay đổi rõ rệt đời sống của nông dân với hai hoạt động nổi bật: Quá trình xây dựng nông thôn mới giúp bộ mặt nông thôn thay đổi, tinh thần nông dân thay đổi, điều kiện sống của nông dân thay đổi và Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tăng đáng kể thu nhập của nông dân, tăng đáng kể giá trị sử dụng đất, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh mẽ cán mốc hơn 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong 3 mục tiêu là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì vai trò của nông dân chưa được nâng lên xứng tầm. Kết luận quan trọng: Nông dân phải là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nghị quyết 26 còn đạt kết quả mờ nhạt.

Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi vẫn mang dáng dấp “chương trình của Nhà nước” mà đối tượng chủ đạo là cơ quan chính quyền xã. Có nhiều xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, thậm chí đã có tỉnh nông thôn mới, phong trào nông thôn mới đã nâng lên mức “mở rộng, nâng cao” nhưng trong từng con người nông dân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng nông thôn, sự thay đổi trong tác phong, tư duy, nếp nghĩ, năng lực hành vi chưa nhiều. Trong quá trình phát triển, từ xây dựng kế hoạch, triển khai giám sát đến thụ hưởng kết quả có bóng dáng nông dân nhưng chưa thể nói nông dân đứng vai trò là trung tâm chủ đạo.

Tái cơ cấu nông nghiệp cũng vậy, chúng ta dồn điền đổi thửa thành công ở một số tỉnh, chuyển đổi nhiều đất từ chuyên lúa sang đa dạng hóa sản xuất, nhưng việc xây dựng chuỗi giá trị còn ít, xây dựng vùng chuyên canh có truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn thống nhất, sản phẩm có thương hiệu diễn ra chậm. Các địa phương vẫn trông mong thu hút được doanh nghiệp về làm đầu tàu phát triển các vùng, các ngành sản xuất chiến lược dẫn dắt, tiếp sức cho nông dân hơn là phát triển nông dân trở thành lực lượng chủ động tổ chức và quản lý sản xuất hàng hóa lớn.

Những điểm mờ trong nông nghiệp như ngư dân đánh bắt thủy sản sang lãnh hải nước khác, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng, bảo vệ môi trường,… còn nhiều vấn đề phải xử lý tiếp. Nông dân vẫn sản xuất theo phong trào, vẫn nhìn nhau để học kỹ thuật, vẫn phá vỡ quy hoạch, vẫn phụ thuộc vào đầu vào của đại lý, đầu ra vào thương lái. Chuyện chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao chưa phải là công việc cho nông dân lúc này.

Thách thức tương lai với nông dân Việt Nam

Việt Nam khác với các nền kinh tế công nghiệp phát triển Tây Âu là tư tưởng có thể đến từ thành phố, tổ chức có thể đến từ công nghiệp nhưng giải pháp cụ thể, nội lực căn bản phải chắt chiu, tích tụ từ nông nghiệp, nông thôn và nông dân là lực lượng đông đảo, to lớn nhất. Công nhân, binh lính cũng từ đó mà ra và trí thức, doanh nhân cũng từ đó mà thành. Bờ tre, gốc rạ là nguồn gốc sức mạnh Việt Nam.

Giành độc lập, chống bóc lột hay bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ xóm làng không ai làm thay cho nông dân mà họ phải gánh vác cho cả nước. Đổi mới kinh tế, lấy thị trường thay cho quan liêu bao cấp cũng chẳng dựa vào ai nếu chính họ không phá rào làm khoán hộ rồi vươn lên xuất khẩu gạo mở đường cho quốc gia hội nhập. Thảm họa môi trường Fomosa, dịch bệnh tả lợn châu Phi, hạn mặn, lũ lụt… nếu nơi nào nông dân thụ động, đợi chờ thì nông dân là người lĩnh đủ thiệt hại và đất nước cũng khó khăn.

Điều xã hội trông đợi ở nông dân là hãy vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Trước hết để kịp đương đầu với những thách thức và nhiều cơ hội mới. Nếu thích ứng kịp thì thành công, bằng không sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, sẽ tụt hậu và đối tượng chịu thiệt hại, người mất tất cả chính là nông dân.

Thứ nhất, công nghiệp hóa phát triển rất nhanh, tiếp tục hút lao động ra nhưng không đi liền với quá trình đào tạo để có tay nghề cao hơn, được mức lương cao hơn mà chỉ thao tác đơn giản nên lao động di cư chỉ là lao động phi chính thức, chậm thì bị trả về nông thôn khi hết tuổi, mất sức; nhanh thì bị công nghệ 4.0, máy tự động thay thế khi còn trẻ nhưng chẳng có vốn, chẳng có nghề. Nông thôn khó về sinh kế, thu nhập.

Thứ hai, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, với đà hút cư dân vào như hiện nay thì các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã quá tải về nhà ở, giao thông, môi trường, dịch vụ… Chỉ có người trẻ, người tài, người có học tìm được chỗ đứng trong các thành phố, rút kiệt chất xám, trí tuệ nội lực, nông thôn mất cân bằng về điều kiện sống, về cơ hội phát triển.

Thứ ba, là toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Thế giới giàu đang già đi rất nhanh, giá thị trường lao động sẽ hút lực lượng trẻ khỏe ra nước ngoài làm việc cả chính thức và phi chính thức, chủ yếu làm việc nặng nhọc mà người bản xứ không làm như đi làm nông nghiệp, chăm sóc người già, làm thủy thủ đánh cá… Các nước châu Á đi trước mất cân bằng giới tính nhiều nên phụ nữ Việt Nam sẽ hút ra lấy chồng nước ngoài. Nông thôn sẽ mất cân bằng xã hội về tuổi, giới, trình độ,…

Khi mục tiêu đặt ra là 10 năm nữa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và 25 năm nữa trở thành nước phát triển, thì trước mắt nông dân Việt Nam đã mở ra quá trình “lột xác” thực sự để trở thành giai cấp khác, chuyển sang địa vị khác, sống trong điều kiện khác. Dân số nông thôn và lao động nông thôn đang chiếm 60% chắc sẽ rút xuống còn 30%, lao động nông nghiệp đang chiếm 35% chắc sẽ xuống còn 20 – 25%. Đó là quá trình đổi đời của hàng triệu người lao động, hàng chục triệu hộ nông thôn với đầy rẫy thách thức.

Hãy đừng đặt tiến trình này vào sự dẫn dắt mù quáng của thị trường hay sự can thiệp bàng quan bên ngoài. Trong lịch sử công nghiệp hóa ở Âu Mỹ xưa, sự phồn thịnh của đô thị, phát triển của công nghiệp đi kèm với tan rã xã hội nông thôn và suy giảm cạnh tranh của nông nghiệp, Liên Xô hay nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũ Đông Âu đã chuyển sang kinh tế thị trường hay Cuba, Triều Tiên, Venezuela đang điều chỉnh kinh tế đều chứng kiến việc nông thôn, nông dân bị quên lãng. Ngay các nền kinh tế thành công như Nhật Bản cũng đang vật lộn với nông dân bỏ đi, nông thôn rơi lại.

Chế biến sản phẩm OCOP trà hoa vàng tại cơ sở sản xuất của anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh).

Phát huy vai trò của nông dân trong giai đoạn mới

Sự thay đổi của nông nghiệp nông thôn và nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa là đương nhiên nhưng thân phận bị bỏ lại, bị lãng quên, tự tan vỡ không phải là lời nguyền của phát triển. Đó là sự chọn lựa của lãnh đạo và quyết tâm đổi đời của chính nông dân. Ở Việt Nam từ 13 năm trước, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định lấy nông dân làm chủ thể quá trình phát triển.

Để nông dân thực hiện được vị thế làm chủ, phải tổ chức nông dân lại trong tổ chức của chính họ. Năm 1927, trong cuốn sách “Đường Kách mệnh” Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo cán bộ ngay từ ngày đầu cách mạng, việc tổ chức nông dân lại trong hội người cày và trong các hợp tác xã được trình bày chi tiết theo cơ chế và mô hình không như hợp tác xã kế hoạch hóa (kiểu cũ) hay các tổ chức chính trị xã hội sau này mà Bác Hồ đã thiết kế tổ chức của nông dân theo mô hình tổ chức xã hội phổ biến của thế giới.

Hội của nông dân tập trung các thành viên là nông dân tham gia sản xuất, có mục tiêu bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ nông dân, do nông dân bầu trực tiếp, do nông dân đóng góp hoạt động. Hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, lo tiêu thụ đầu ra nông sản, cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất, tiến đến cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống nông dân. Các tổ chức này mang tính cộng đồng lấy phục vụ hộ nông dân làm mục đích, không phải cánh tay nối dài của nhà nước, cũng không phải doanh nghiệp đi theo mục tiêu lợi nhuận của thị trường.

Trong thực tế, hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hóa thành công gần đây như Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel… đều áp dụng hoặc là mô hình phát triển hội nông dân hoặc hợp tác xã nông nghiệp để Nhà nước trao một phần quyền quản lý sản xuất, quản lý thị trường, quản lý phát triển, quản lý tài nguyên, quản lý môi trường, tham gia quốc phòng, cung cấp dịch vụ công… và nhờ đó, nông dân thực sự làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ động tham gia và hóa giải các thách thức của đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, chuyên nghiệp hóa

Phải khách quan nhìn nhận, trong điều kiện các chính quyền can thiệp mạnh, trong bối cảnh thị trường vận hành sôi động, toàn cầu hóa sâu sắc thì lực lượng nông dân dù đông đến mấy, nông thôn rộng bao nhiêu cũng vẫn là đối tượng yếu thế. Tuyên truyền hay cũng chỉ là khẩu hiệu suông. Tổ chức của nông dân chỉ có thể hình thành và phát triển dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ, tham gia của toàn dân. Trong các nền kinh tế thành công, chính quyền đưa ra chương trình thành lập, đào tạo cán bộ, phân cấp, giao quyền, đầu tư, cổ phần hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân. Thị trường giành độc quyền kinh doanh đầu vào nông nghiệp, đầu ra nông sản cho nông dân. Ngân hàng, doanh nghiệp, đại học, viện nghiên cứu được giao cho tổ chức nông dân.

Khi mà nông dân được tổ chức lại và vững tin vào tổ chức của mình thì nông dân sẽ tách ra phần nhỏ, ưu tú làm ăn giỏi ở lại sản xuất nông nghiệp. Lớp nông dân trẻ, có học vấn sẽ điều hành trang trại lớn làm ăn tập thể. Còn phần lớn lao động sẽ tách ra, được đào tạo, có vốn, có tổ chức, có đăng ký, có bảo hiểm để tham gia sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp. Phát triển nông thôn sẽ gắn với phát triển đô thị và đô thị, khu công nghiệp sẽ giãn về địa bàn nông thôn. Cư dân nông thôn “ly nông bất ly hương”, cư dân đô thị và khách du lịch sẽ về nông thôn. Xã hội nông thôn không xáo trộn, môi trường đô thị trở thành xanh, cảnh quan đẹp.

Sản xuất lớn nông nghiệp cạnh tranh mạnh, việc làm phi nông nghiệp đem lại thu nhập cao, cuộc sống đô thị hóa văn minh đem lại phúc lợi cho nông dân – lực lượng đông đảo nhất trong xã hội sẽ thể hiện bằng cánh tay cầm súng trong chiến tranh và những lá phiếu bầu trong hòa bình dành cho Nhà nước, về đảng cầm quyền mà họ coi là của họ. Nền tảng chính trị xã hội đất nước có vững chắc thì thế trận chiến tranh nhân dân mới hình thành trong thế giới đầy biến động khó lường hiện đại, đủ sức phòng vệ mọi nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Chẳng những thế, sức mạnh văn hóa, lợi thế an ninh lương thực còn có thể trở thành “quyền lực mềm” của đất nước khi Việt Nam trở thành “cánh đồng, nhà bếp của thế giới”.

Quá trình công nghiệp hóa là quá trình tích lũy tư bản đầu tư, tích lũy phát triển tài nguyên con người. Tiền của và trí tuệ không rơi từ trên trời xuống. Hơn 30 quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên đã tích lũy trong hàng trăm năm “với máu và nước mắt” của các dân tộc thuộc địa, của nô lệ da đen, của giai cấp vô sản, của môi trường qua 2 cuộc chiến tranh thế giới. Đô thị phải đi lên từ tài nguyên của nông thôn. Công nghiệp phải xuất phát từ vốn liếng nông nghiệp. Thương mại hóa, tài chính hóa, khoa học công nghệ rồi số hóa cũng chỉ hiệu quả hóa, tăng tốc quá trình đó chứ “kinh tế ảo” không thay thế được “kinh tế thực”, nhất là trong giai đoạn tích lũy ban đầu. Bước chuyển cơ bản nhất lúc này là đột phá về tổ chức nông dân, khơi sức phát triển căn bản từ thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, tạo đà vững cho bước tiến xa hơn.

Nguồn: Langmoi