banner

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực

Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất, nhân lực...

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp rõ ràng có hiệu quả tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao (như đã phản ánh trong các bài viết trước). Nhưng thực tiễn cho thấy, để nhân rộng cách làm này và phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao thì còn ngổn ngang những khó khăn, thách thức về vốn đầu tư, quỹ đất, nhân lực, thị trường...

“Đói” vốn...

Sản phẩm từ mô hình sản xuất rau củ quả theo phương pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần An Phú Hưng tỉnh Hà Nam đang dần chiếm được lòng tin người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty, phấn khởi khoe: “Nhu cầu liên tục tăng, riêng khách nội địa đặt hàng đã rất lớn, nhưng mới đáp ứng được khoảng 30%, do diện tích canh tác còn nhỏ, chưa đáp ứng được sản lượng. Nếu đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại, chúng tôi cần làm quy mô diện tích 100-200 ha”.

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 1
Khu vực sản xuất rau hữu cơ của Công ty cổ phần An Phú Hưng

Vậy tại sao không tiến tới đẩy nhanh mở rộng sản xuất để chiếm thị phần phục vụ luôn 100% nhu cầu ấy?- Chúng tôi hỏi. “Khó trăm bề”- bà Đang trăn trở, và tiếp lời: “Khó nhất đang là đói vốn đầu tư. Với 22ha diện tích canh tác hiện tại, vốn đầu tư ban đầu cho cải tạo mặt bằng, làm nhà xưởng... rất lớn. Ngoài vốn tự có, tôi vẫn phải vay vốn của ngân hàng. Hiện tôi vay 13 tỷ đồng vốn ngân hàng nông nghiệp bằng nguồn tín chấp. Nhưng số vốn này chưa thấm vào đâu...”.

Hơn nữa, có vay được thêm thì cũng áp lực trả nợ, vì theo bà Đang, lãi suất cho vay của ngân hàng còn rất cao. Qua hạch toán thí điểm 2ha thì bà Đang thấy hiệu quả đầu tư làm nông nghiệp đang lãi tầm 30%. Như vậy, nếu làm giỏi và không gặp rủi ro đột biến, ít nhất cần 3 đến 5 năm để hoàn vốn, còn trung bình phải mất 5 đến 7 năm. Tức là áp lực dòng vốn đầu tư rất lớn.

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 2
Bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng

Thực tế đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài, bà Đang thấy “họ vay vốn làm nông nghiệp có thể chỉ chịu lãi suất 0% (ví dụ như ở Hà Lan và Trung Quốc), nhưng tại tôi vay 10 tỷ thì phải trả lãi 75 triệu đồng mỗi tháng. So sánh sẽ thấy, cùng số vốn đó, riêng gánh tiền lãi suất khiến đội giá thành sản phẩm, đương nhiên giảm lợi thế về giá cạnh tranh với họ. Hay như Trung Quốc, ngoài việc được vay lãi suất 0%, người làm nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ tương đương khoảng 2 đến 5 triệu đồng/ha”.

Dù bà Đang cũng đang được hưởng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi làm nhà kính, nhà lưới được hỗ trợ 30.000 đồng/m2; làm kênh mương thoát nước cả dự án 22ha được hỗ trợ tổng số 1,6 tỷ đồng. “Số tiền hỗ trợ này không nhiều, vì riêng san ủi mặt bằng và cải tạo đất ban đầu dự án của tôi đã tốn 3 tỷ đồng”- bà Đang cho biết.

Đồng cảm với khó khăn về vốn đầu tư của Công ty An Phú Hưng, vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh và chị Nguyễn Thị Bích Thủy, chủ trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Biofresh Farm tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Với 2ha diện tích trồng dâu tây theo tiêu chuẩn châu Âu, chị Thủy đã đầu tư 30 tỷ đồng, nhưng may đây là vốn gia đình tự có. Còn nếu đi vay ngân hàng, chị Thủy “bó-tay”. Bởi vì vay ngân hàng thì phải thực hiện rất nhiều thủ tục, rồi tài sản thế chấp và lãi suất cũng cao, không kham nổi. Cho nên, giờ nếu có đất mở rộng quy mô, vợ chồng chị tính nước bán nốt nhà bên Pháp để có tiền đầu tư theo đuổi khát vọng làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao.

Ngân hàng không thiếu tiền, nhưng vướng tiêu chí

Là ngân hàng gắn bó gần gũi với bà con nông dân và doanh nghiệp làm nông nghiệp, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam tại Lâm Đồng đang có 10.000 tỷ đồng dư nợ thì chỉ gần 20% (khoảng 1.700 tỷ đồng) cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó số 20% đó cũng chỉ có 10% vay hưởng lãi suất ưu đãi làm nông nghiệp công nghệ cao [cứ mỗi khâu (giống, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm) trong làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ được giảm 0,5% so với lãi suất thông thường, tức là nếu làm đủ 3 khâu, khách hàng có thể hưởng lãi suất tối đa 5%/năm], còn lại 90% vay theo lãi suất thông thường.

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 3
Trồng hoa theo công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhìn trên địa bàn cả nước, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi (lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường) làm nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau 6 tháng triển khai, mới có dư nợ được 36.000 tỷ đồng với kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%. Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận tình trạng người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng, giải thích: Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng hiện đang bị mắc kẹt ở việc xác định khách hàng nào đáp ứng tiêu chí để cho vay. Bởi nếu cho vay hộ gia đình thì vướng ở phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, khó xác định đạt tiêu chuẩn cho vay. Còn với doanh nghiệp thì có quy định là doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn làm nông nghiệp công nghệ cao (cả nước mới có 28 doanh nghiệp được cấp chứng nhận này, trong đó Lâm Đồng có 8 doanh nghiệp).

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 4
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng.

Cùng với đó, ông Hòa cho biết, theo quy định hiện hành, nếu vay từ 100 triệu trở lên là phải có thế chấp. Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thì suất đầu tư rất lớn, chỉ cần làm 1 sào trồng hoa, rau thì đầu tư tốn khoảng 2-3 tỷ đồng. Nếu chủ hộ chỉ có tài sản là diện tích đất nông nghiệp đó thì cũng không vay được tiền tỷ, vì giá đất nông nghiệp theo bảng giá nhà nước quy định không đủ để thế chấp.

Mặt khác, nếu lấy tài sản trên đất làm tài sản thế chấp cũng rất khó, vì đang vướng về xác nhận quyền sở hữu tài sản đó. Ví dụ, xây dựng nhà kính có thể tốn 5 tỷ đồng, nhưng chỉ cần gặp xoáy lốc đánh sập là hỏng hết, thành đống sắt vụn. Ngân hàng không dám nhận tài sản nhà kính đó làm vật thế chấp cho vay vốn. Do đó, theo Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng, muốn gỡ vướng chỗ này thì cần bảo hiểm nông nghiệp vào cuộc.

Không những thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và từ chính ngân hàng thương mại, làm nông nghiệp công nghệ cao còn khó vay vốn ngân hàng vì các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chung chung, chưa sát thực tiễn.

Quyết định 738/2017 ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), cho nên ngân hàng thiếu căn cứ cụ thể để xác định cho vay.

Tức là nút thắt về vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nằm ở nhiều chỗ về: lãi suất, tiêu chí cho vay, bảo hiểm, chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp...

Vẫn “khát” đất

Bên cạnh khó khăn về vốn đầu tư, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn vướng cả về quỹ đất chuyên dùng cho lĩnh vực này. Bởi qua thực tế tại Lâm Đồng, Hà Nam, Thái Bình cho thấy, các doanh nghiệp, hợp tác xã hay nông hộ làm nông nghiệp công nghệ cao đều có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, rất cần có quỹ đất và thuận lợi tiếp cận.

Chẳng hạn, bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng tỉnh Hà Nam, cho biết để đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng đặt hàng hiện tại, Công ty cần quỹ đất 100-200ha để mở rộng quy mô sản xuất, nhưng hiện tại mới thuê được 22ha. Tự Công ty cũng không thể tự đàm phán thuê gom được số đất đó mà nhờ có chính quyền địa phương vào cuộc. Chính quyền đàm phán với dân, chính quyền đứng giữa để ký tay ba giữa doanh nghiệp – chính quyền – người dân để cho doanh nghiệp thuê đất. Hiện thời hạn cho thuê kéo dài 20 năm, và chính quyền đứng ra thuê đất từ dân rồi giao đất sạch cho doanh nghiệp. 

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 5
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam cho rằng, thể chế pháp luật liên quan đến tích tụ ruộng đất còn có cái khó (như: quy định về hạn điền, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, quy định về cho thuê đất…). Do đó, các cấp chính quyền khi triển khai tích tụ ruộng đất còn do dự, lưỡng lự khi thực hiện.

Kết quả Hà Nam tập trung được trên 500ha đất như hiện nay là chính quyền địa phương đã đứng ra phải cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi giữ quyền sử dụng đất cho hộ dân; khi kết thúc thời gian giao đất để tích tụ thì doanh nghiệp nhận đất phải cải tạo trả lại mặt bằng để người dân có thể sản xuất bình thường như trước tích tụ...

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm là tỉnh đã dùng nhiều cách tích tụ ruộng đất, như: nhà nước giải phóng mặt bằng, thuê đất của dân ổn định và xây dựng hạ tầng rồi cho doanh nghiệp thuê lại; doanh nghiệp tự làm dự án, tỉnh duyệt và giao đất cho doanh nghiệp (từ 20-50 năm); doanh nghiệp tự thỏa thuận mua đất hoặc thuê đất của dân, nhà nước hỗ trợ làm thủ tục để nhà đầu tư thỏa thuận đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Tuy nhiên, “cái khó trong quá trình tích tụ ruộng đất là việc giải phóng mặt bằng do giá đất đền bù cho nhân dân thấp hơn giá thị trường; một số lô đất có tổng tiền bồi thường, hỗ trợ san ủi khá lớn nên khó thực hiện việc thu hút đầu tư.”- TS. Phạm S cho hay. Về điểm này, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã Anh Đào tại Đà Lạt cũng cho rằng, giá thuê đất vẫn là một trở ngại lớn cho người đi thuê.

Tại Thái Bình, nông dân Phạm Ngọc Hưng (ở thôn 3, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) cũng đang thuê gom 17 ha đất trồng lúa theo công nghệ cao. Anh Hưng cho biết, để tập trung được diện tích rộng để dễ cơ giới hóa sản xuất thì phải tìm thuê mảnh đất chỗ khác tốt hơn để đổi cho hộ dân không muốn rời ruộng. Tuy nhiên, anh Hưng vẫn đang gặp khó khăn là thời hạn thuê đất chỉ được từ 3-5 năm nên không dám đầu tư lớn vào cải tạo ruộng và làm công nghệ hiện đại, không kịp thu hồi vốn.

Là một trong nhiều hộ dân đã cho Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thanh Tân (tại Kiến Xương, Thái Bình) thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao, bản thân là chủ đất giờ trở thành người làm thuê trên chính thửa ruộng của mình, ông Trần Đức Miên (thôn An Cơ Đông, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương) cho biết: Trước mắt hài lòng cách làm này vì chủ đất vừa được tiền cho thuê ruộng, vừa được làm thuê cho HTX để có thu nhập tốt hơn tự trồng lúa. Ông Miên tin tưởng ký hợp đồng cho thuê đất vì có chính quyền đứng ra trung gian. 

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 6
Ông Trần Đức Miên đang làm thuê trên chính ruộng của mình.

Rõ ràng thực tế có những mô hình tập trung đất đai hiệu quả bước đầu, nhưng về lâu dài vẫn đối mặt nhiều nguy cơ bất định. Để giảm rào cản, chính quyền muốn chính sách đất đai được điều chỉnh phù hợp hơn để thuận lợi chuyển dịch cơ cấu kinh tế; doanh nghiệp và hộ sản xuất muốn thuê nhiều đất tập trung và thời hạn thuê lâu dài để ổn định sản xuất, đầu tư công nghệ. Cùng với đó, cũng cần những chế định pháp lý tốt để đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích các bên tham gia tập trung đất đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

“Thèm” nhân lực

Một yếu tố rất quan trọng nữa để quyết định sự thành công hay thất bại của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhân lực. Bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty An Phú Hưng cho biết, tìm người có kiến thức thực sự và mặn mà gắn bó với cơ sở sản xuất rau củ quả theo công nghệ cao của Công ty đang là một thách thức rất lớn. Thực tế chủ trương thuê đất của nông dân thì có điều kiện về sử dụng lao động địa phương, nhưng chất lượng lao động địa phương không đáp ứng hết được các công việc làm nông nghiệp công nghệ cao.

tim giai phap phat trien nong nghiep cong nghe cao: chua benh "doi" von, "khat" dat va "them" nhan luc  hinh 7
Cung ứng nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp công nghệ cao đang là một thách thức. (Trong ảnh: Công nhân tại dây chuyền đóng gói hoa tại Dalat Hasfarm, Lâm Đồng)

Hiện tại, Công ty này chỉ sử dụng được khoảng 20% lao động cho dự án, thậm chí có thể sẽ giảm chỉ còn 10%, còn lại 90% phải đi tuyển nơi khác về. Trong diện tích thuê đất của nông dân hiện tại, cũng chỉ dùng được 5% lao động là người có đất cho thuê, đó là được ưu tiên, còn lại không đáp ứng được yêu cầu. Các lao động thuê đều phải tốn chi phí đào tạo.

Đáng lo hơn, “cái khó hơn nữa là cán bộ lao động chất xám khó kiếm vô cùng. Bản thân tôi lên tận Đại học Nông nghiệp Hà Nội tìm xin tuyển người về, nhưng được mấy bạn thực tập, sau đó ra trường không làm nữa vì bảo vất vả. Hiện tại vị trí  giám đốc điều hành tại dự án đang trả lương 30 triệu đồng/tháng, nhưng tìm 3 năm không được người gắn bó. Công ty cũng có đặt hàng đào tạo, nhưng sản phẩm sau đào tạo không làm được việc, doanh nghiệp không tiêu hóa được lao động đó”, bà Đang trăn trở.

Còn tại trang trại dâu tây Biofresh Farm ở Đà Lạt, ông chủ Nghiêm Văn Minh cho hay, rất cần người có kiến thức và tâm huyết để vừa thuê làm trả lương cao vừa đào tạo nhưng hiếm có khó tìm. Bản thân ông Minh đã tìm được vài người tốt nghiệp đại học về nông nghiệp, sinh học hẳn hoi để cho thử sức nhưng đều “đứt gánh giữa đường”, bởi “họ chỉ khá về lý thuyết, còn làm thực tiễn không ra sao”. Thành ra, thành quả của Biofresh Farm có được hôm nay chủ yếu do chính ông chủ, bà chủ phải cặm cụi kiểu “vừa làm nhà khoa học vừa làm nông dân bưng bê xúc vác...”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào thì lo lắng, chưa yên tâm về đội ngũ sẽ kế cận để sau 5 đến 10 năm nữa chuyển giao làm quản trị và tiếp cận ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường... giúp HTX Anh Đào phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi lớp trẻ không nhiều người mặn mà với ruộng đồng./.

Xuân Thân - Trần Ngọc/VOV.VN

Kỹ thuật nông nghiệp

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

Chủ nhật, 22-10-2023 | 05:25:15

Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

'2 giảm, 3 tăng' gồm: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Diện tích cây dâu tằm của huyện...

Đọc Tiếp

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Chủ nhật, 24-09-2023 | 04:56:57

Quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái‏

Để đảm bảo cây mít Thái phát triển mạnh mẽ và mang lại năng suất cao, việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách là vô cùng...

Đọc Tiếp

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Thứ 6, 15-09-2023 | 04:24:40

Quy trình nhân giống hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành

Hoa cẩm chướng là loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và màu sắc đẹp mắt. Chính vì thế mà loài hoa này được trồng nhiều để trang...

Đọc Tiếp

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Thứ 3, 12-09-2023 | 04:38:06

Sản phẩm ức chế bệnh bạc lá nhận giải thưởng của Mitsui Chemicals

Trong lần đầu tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration đã trao giải cho sản phẩm có khả năng ức chế bệnh bạc lá – một...

Đọc Tiếp

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Thứ 2, 21-08-2023 | 05:14:25

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội...

Đọc Tiếp

Liên Kết Websites



Thống kê

Trong ngày
Trong tháng
Lượt truy cập
381
15195
9786905
Your IP: 52.14.221.113